Ngày 12/12 vừa qua, Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã hoàn tất phiên đấu giá bán 9% vốn điều lệ tại Vinamilk. Kết quả, chỉ có 2 tổ chức mua 5.4% vốn điều lệ (thực chất chỉ 1 tổ chức mua với mong muốn là nhà đầu tư chiến lược), còn lại 3.6% vốn điều lệ chưa bán hết hay nói đúng hơn là “không có người mua”.

Đánh giá về phiên đấu giá này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) cho rằng không đạt mục tiêu ban đầu mà Bộ Tài chính và SCIC đặt ra, với mục tiêu là bán lẻ rồi tiếp tục chia nhỏ lô cổ phiếu Vinamilk (VNM) để mong muốn tạo sự công bằng cho nhiều nhà đầu tư trong nước và quốc tế.

0544_dsyz.jpg
Phiên đấu giá bán 9% vốn điều lệ tại Vinamilk. (Ảnh minh họa: KT)
VAFI nhận định, chẳng có nhà đầu tư chứng khoán nào dại dột lại đi mua cổ phiếu VNM cao hơn so với giá trên sàn, khi giá khởi điểm cổ phiếu VNM lên tới 144.000 đồng/cp, cao hơn giá thị trường khoảng 7%. Trong khi qui mô của nhà đầu tư tài chính trong nước và quốc tế còn nhỏ bé, việc huy động vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài còn rất khiêm tốn.

Ngược lại, nếu thoái vốn nhà nước tại VNM theo giá thị trường cho nhiều nhà đầu tư tài chính và theo giá thị trường, không theo giá cố định như trước, thị trường không thể hấp thụ được lượng cung khổng lồ là 4 tỷ USD từ việc bán toàn bộ cổ phần VNM.

Nhưng các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, các tập đoàn nước ngoài đang săn lùng cơ hội để mua doanh nghiệp tiềm năng trong nước để mở rộng phát triền nhanh thị trường thay vì thành lập doanh nghiệp mới, cho nên việc bỏ ra vài tỷ đô la để mua cổ phần chi phối tại doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa là điều không khó.

Từ thực tế này, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính cho rằng, việc không bán hết lô cổ phần đã không phản ánh nhu cầu mua cổ phiếu VNM từ các nhà đầu tư chiến lược. Giá đấu thành công 144.000 đồng/cp bán cho nhà đầu tư chiến lược là rất khiêm tốn. Nhưng nếu bán trọn lô lớn (45% vốn điều lệ vốn cổ phần nhà nước thì giá đấu thành công phải cao hơn nhiều.

Qua đây, VAFI cũng kiến nghị SCIC và Bộ Tài chính không trình Chính phủ phương án bán nốt 3.6%/vốn điều lệ, vì nếu bán nốt cổ phiếu này sẽ bị giảm giá mạnh.

Đặc biệt, khi bán lô lớn cho các nhà đầu tư chiến lược trong nước và nước ngoài tại các doanh nghiệp lớn, phải tạo điều kiện cho nhà đầu tư tiếp cận thông tin đầy đủ, dành khoảng 6 tháng cho nhà đầu tư chuẩn bị phương án đấu giá kể từ thời điểm công bố thông tin.

Bên cạnh đó, việc bán cổ phần chi phối nhà nước tại doanh nghiệp lớn nên theo hình thức bán thỏa thuận hay bán đấu thầu với doanh nghiệp cổ phần hóa đã niêm yết.

Tuy nhiên, vì bán tài sản nhà nước nên dễ bị các nhóm lợi ích chi phối nên cần phải qui định, công khai minh bạch chi tiết phương thức đấu giá, lộ trình đấu giá cho nhà đầu tư biết, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư tìm hiều kỹ lưỡng, không vội vàng tổ chức đấu giá.

Đặc biệt, "nhà nước có thể ấn định giá khởi điểm cao hơn giá thị trường từ 20% trở lên khi tổ chức bán cho các nhà đầu tư chiến lược", VAFI khẳng định./.