Thị trường chứng khoán đang được đánh giá là rất khó dự đoán với nhiều kịch bản bất ngờ. Dù biết vậy nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn choáng váng trước đà giảm của VN-Index trong 2 phiên giao dịch đầutháng 8.

Đặc biệt, trong phiên 2/8, chỉ số VN-Index rơi khá mạnh khi mất 12 điểm và rơi xuống 636,05 điểm, con số thấp nhất trong vòng 1 tháng qua. Tính chung cả 2 đầu tháng, VN-Index giảm 16,18 điểm, tương ứng 2,5%.

tran_dinh_long_bfcb.jpg
Giá trị cổ phiếu HPG do ông Trần Đình Long nắm giữ giảm 332 tỷ đồng. (Ảnh minh họa: KT)
VN-Index giảm sâu đồng nghĩa với việc vốn hóa thị trường “bốc hơi” mạnh. Chỉ sau phiên ngày 1/8 và 2/8, vốn hóa sàn TP HCM rơi rụng 30.561 tỷ đồng (1,4 tỷ USD). Mất mát này trên sàn Hà Nội là 3.476 tỷ đồng. Như vậy, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã mất 34.037 tỷ đồng (1,52 tỷ USD). Những người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam là những người “đóng góp” nhiều nhất trong đợt mất mát trị giá hơn 1,5 tỷ USD này.

Thời gian gần đây, HPG là một trong những cổ phiếu được quan tâm nhiều khi Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 với nhiều lạc quan. Theo đó, biên lãi gộp của công ty đạt 32%, tương ứng 2.026 tỷ đồng.

Nhưng thông tin tích cực này không hỗ trợ nhiều cho HPG. Vì vậy, trong những ngày đầu tháng 8, HPG giảm khá mạnh. Sau 2 phiên, HPG giảm 1.800 đồng/CP xuống 42.700 đồng/CP. HPG khiến vốn hóa Tập đoàn Hòa Phát hao hụt 1.319 tỷ đồng.

Ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Hòa Phát chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Giá trị cổ phiếu HPG do ông Long nắm giữ giảm 332 tỷ đồng. Tài sản của bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Long giảm 96 tỷ đồng.

MWG của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động thường xuyên nằm trong danh sách các cổ phiếu “vượt bão” thành công. Tuy nhiên, chào tháng 8, MWG cũng không thoát được xu hướng thị trường khi giảm 10.000 đồng/CP.

MWG “thổi bay” 1.469 tỷ đồng vốn hóa thị trường của Thế giới di động. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động chịu thiệt hại nhiều nhất. Trong thời gian ngắn ngủi, ông Tài đã “đánh rơi” 37 tỷ đồng.

Điều đáng nói, cổ đông Thế giới di động vừa hân hoan khi công ty báo lãi 835 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm, tăng 83% so với cùng kỳ năm ngoái. Công ty còn hứa hẹn sẽ có nhiều đột biến về lợi nhuận trong các tháng cuối năm khi nhiều cửa hàng mới của công ty bắt đầu sinh lời.

Đại gia ngân hàng cũng là người chịu thiệt hại trong những ngày qua. Dù có báo cáo kết quả kinh doanh “đẹp” nhất hệ thống nhưng Vietcombank không giúp cổ phiếu VCB “vượt bão” thành công. Sau 2 phiên đầu tháng 8, VCB giảm 2.500 đồng/CP xuống 51.500 đồng/CP. Vì VCB, vốn hóa Vietcombank “bốc hơi” 6.663 tỷ đồng.

Trong khi đó, EIB của Eximbank và STB của Sacombank bị nhà đầu tư quay lưng khi lộ những khoản nợ xấu tăng vọt và lợi nhuận teo tóp. Đầu tháng 8, EIB giảm 600 đồng/CP xuống 11.300 đồng/CP khiến vốn hóa Eximbank mất 741 tỷ đồng. STB giảm 200 đồng/CP xuống 11.100 đồng/CP khiến vốn hóa Sacombank mất 361 tỷ đồng.

Trong những ngày tới đây, tài sản trên thị trường chứng khoán của dân Việt có nguy cơ tiếp tục giảm sút khi chỉ số VN-Index được đánh giá chưa thoát đà giảm.

Công ty chứng khoán FPTS dự báo giá mục tiêu của VN-Index có thể rơi xuống 600-620 điểm. Khoảng giá này được đánh giá cao hơn với vai trò là mốc tâm lý kế tiếp sau khi mức 640 điểm bị phá vỡ. Theo FPTS, nhà đầu tư có mức chịu rủi ro thấp được khuyến nghị nên tận dụng các trạng thái hồi phục trong phiên để hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục.

Trong khi đó, Công ty chứng khoán SHS đánh giá rủi ro trên thị trường chứng khoán tăng cao, do vậy SHS khuyến nghị nhà đầu tư không nên bắt đáy giai đoạn này và đưa tỷ trọng danh mục về an toàn, hạn chế sử dụng margin.

Đối với danh mục đang có sẵn, nếu Vn-Index thủng ngưỡng hỗ trợ gần 630 điểm vào phiên mai, nhà đầu tư nên cơ cấu lại về trạng thái tiền mặt bằng việc bán ra các cổ phiếu có tính thị trường cao, trong khi đó duy trì vị thế nắm giữ đối với những mã có kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tích cực cùng triển vọng khả quan 6 tháng cuối năm./.