Chia sẻ tại buổi tọa đàm về xóa bỏ rào cản kinh doanh do Tạp chí BizLIVE tổ chức ngày 11/10, ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup, cho biết, rào cản đối với các doanh nghiệp rất lớn, vì thế doanh nghiệp có cảm giác nơm nớp lo sợ vi phạm các quy định pháp luật.

toa_dam_yxny.jpg
Toàn cảnh buổi tọa đàm

Rào cản hạn chế sự sáng tạo của doanh nghiệp
Ông Hưng lấy ví dụ ở lĩnh vực bất động sản, quy định rất nhiều nên có sự không thống nhất trong cách thực hiện. Có quy định Bộ nói được làm, nhưng thành phố Hà Nội lại cho là không. Sau khi sáp nhập Hà Tây vào Hà Nội, có nhiều dự án được phê duyệt từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn bị treo.
Ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch HĐQT Cengroup

Ông Hưng cho rằng, các thông tư hiện nay đang can thiệp quá sâu vào sản phẩm. Doanh nghiệp cần có không gian để sáng tạo và muốn có một hành lang thông thoáng.

TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), xét về thương mại, theo Thông tư 20 về nhập khẩu xe, có thể hiểu hai góc nhìn về rào cản. Thứ nhất là để bảo hộ thông qua áp thuế cao, hạn ngạch. Thứ hai là bảo hộ bằng cách dùng các biện pháp kỹ thuật, quy định rõ ràng. 
Theo TS. Thành, việc áp dụng kỹ thuật là nhằm 3 mục đích: Đảm bảo sức khỏe an toàn con người; đảm bảo an ninh quốc gia và cuối cùng là bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp kỹ thuật này phải chứng minh về mặt khoa học là hợp lý.
Tiến sĩ Võ Trí Thành
Tuy nhiên, hiện nay có nhiều quốc gia do bảo hộ chính thống giảm dần nên dùng quy trình hành chính để bảo hộ. Về cơ bản, như vậy không vi phạm cam kết quốc tế. Việt Nam đang sử dụng biện pháp này. Nhưng với thông tư 20 về nhập khẩu xe thì chúng ta lại không giải trình được mục đích, bởi nếu muốn bảo hộ phát triển ngành ô tô phải nõi nêu rõ là bảo hộ. Bảo hộ thì sẽ có những hạn chế như ít doanh nghiệp có thể tham gia, TS. Thành chia sẻ.

"Hiện nay chúng ta đang nhầm lẫn giữa rào cản bảo hộ và kỹ thuật, thiếu giải trình về lý do đặt điều kiện. Điều này sẽ ảnh hưởng tới sự sáng tạo của doanh nghiệp, thị trường bị đè nén và tạo điều kiện cho nhiều đối tượng trục lợi" TS. Thành lưu ý.

Gỡ khó cho doanh nghiệp
Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), cho biết, hiện nay Việt Nam đang xây dựng một luật dành riêng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Luật này nếu được thông qua sẽ gỡ nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo số liệu khảo sát của VCCI mới đây về nhận thức hiểu biết về các chương trình hội nhập thế giới của Việt Nam, thì các doanh nghiệp FDI là những doanh nghiệp có hiểu biết hơn, nhận thức rõ hơn so với doanh nghiệp nội. Ông Khương cho hay, VCCI cũng tổ chức tư vấn, đào tạo để doanh nghiệp có thể học tập, gặp gỡ, xúc tiến hợp tác kinh doanh.

Ông Đoàn Duy Khương, Phó Chủ tịch VCCI
Tuy nhiên, ông Khương nhận định, luật DNVVN khó được thông qua trong năm nay, bởi việc làm luật ở Việt Nam khác với các nước khác trong khu vực.

"Tại Việt Nam, đối tượng không được tham gia nhiều trong quá trình xử án, mà chủ yếu là qua cơ quan điều tra, quan tòa kết luận. Nên không giải quyết nhanh được vấn đề. Hiện nay, Hong Kong được coi là một trong những nước có bức tranh trong sạch về luật, xử lý rất nhanh việc kiện tụng và quan tòa cũng rất dễ để thay thế. Đây là điều khó có thể thấy ở Việt Nam," ông Khương chia sẻ.

Nhiều nội dung luật chưa sát thực tiễn

Đề cập đến môi trường kinh doanh hiện nay, bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH, cho rằng, luật thực sự rất quan trọng với doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp không đi sai với "đường ray" đó.

"Tôi nghĩ mọi luật đều xuất phát từ thực tiễn. Nhưng thực tế hiện nay, luật lại không xuất phát từ thực tiễn mà lại sách vở," bà Hương cho hay.

Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH

Bà Hương chia sẻ: "Trong nông nghiệp, từ năm 2008, tôi về Nghệ An tìm đất đầu tư, tôi hỏi chính quyền là lấy đất ở đâu, nhưng ai cũng bảo là hết rồi. Tôi lại nói: Không, tôi thấy còn tận 4 triệu rưỡi hecta đất nông nghiệp trong các nông trường cơ. 

Sau đó, tôi lại đi vận động người dân trả lại đất cho chính quyền. Nhưng ít người làm được như tôi. Theo tôi, nhà nước đừng chia đất đất nông trường cho dân nữa, họ không biết làm gì với đất, lại tích tụ đất. Thay vào đó nên chuyển cho doanh nghiệp có năng lực để họ khai thác.

Khi làm luật họ không căn cứ vào thực tiễn. Việc làm luật hiện nay xa rời thực tiễn nên không thúc đẩy sản xuất, thậm chí còn kìm hãm sản xuất. 

Đơn cử như quá trình xây dựng luật như Luật DNVVN, Luật công nghệ cao nhưng họ không hề hỏi ý kiến doanh nghiệp. Khi đã ban hành luật thì “đè” người ta ra thu thuế. Do đó, khi làm luật cần phải bám sát thực tiễn"./.