Tại hội thảo “Tăng cường hợp tác công – tư và kết nối hàng Việt với các kênh phân phối” diễn ra sáng 12/8 tại TP HCM, một số doanh nghiệp cho rằng, trong quá trình đưa hàng hóa vào các siêu thị gặp nhiều khó khăn. Cụ thể như hoạt động chào hàng sản phẩm mới thường mất nhiều thời gian và số lượng mã được chấp nhận rất ít.

dn_viet_ouhy.jpg
Các doanh nghiệp nội gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận thị trường ngoại (Ảnh minh họa: Internet)

Hiện nay, các siêu thị ngoại đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp nội, ví dụ, không tổ chức hội nghị nhà cung cấp, không tạo điều kiện để doanh nghiệp nói lên tiếng nói của mình. Vì vậy mà các doanh nghiệp khó nắm được tình hình để thúc đẩy sự phát triển của chính doanh nghiệp. Siêu thị ngoại còn yêu cầu mức chiết khấu cao, hoặc phải trả nhiều khoản chi phí khi doanh nghiệp Việt đưa sản phẩm vào trưng bày.

Các doanh nghiệp đề xuất, siêu thị ngoại cần coi lại mức chiết khấu.  Đối với các sản phẩm được người tiêu dùng lựa chọn và tin tưởng thì cần có sự ưu ái hơn về chiết khấu. Siêu thị cần hỗ trợ vấn đề hình ảnh cho sản phẩm của nhà cung cấp như: thay đổi thiết kế kệ thường xuyên để sản phầm có cơ hội được khách hàng chú ý đến. Nhà nước cần kiếm tra việc có hay không việc ưu đãi cạnh tranh không lành mạnh của các nhà phân phối ngoại đối với hàng hóa trong nước và hàng hóa chính quốc.  

Theo bà Lê Thị Thanh Lâm – Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Food, nhà nước cần có sự hỗ trợ và định hướng, còn các doanh nghiệp nhỏ phải liên kết lại với nhau, thông qua một đơn vị trung gian để đàm phán với các siêu thị ngoại để đỡ bị chèn ép cao về mức chiết khấu.

Bà Thanh nhấn mạnh, nhà nước cần mạnh dạn đầu tư thêm các hội thảo liên kết, chia sẻ thông tin để các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ biết được mình được mình đang ở đâu, các siêu thị hiện nay đang cần những gì, phải nâng cao khả năng đàm phán với các siêu thị lớn. Hiện nay, việc các đơn vị nhỏ đi đàm phán với các siêu thị lớn là hình thức "đơn phương độc mã"./.