Những tháng cuối năm, do khó khăn của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp cắt giảm lao động, đẩy hàng loạt công nhân vào tình trạng mất việc. Đã không có tiền thưởng Tết, lại còn mất việc làm khiến cuộc sống của người lao động đã khó khăn lại càng thêm khốn đốn.

Giữ lương còn khó nói chi đến thưởng

Đến con ngõ nhỏ thuộc thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội những ngày giáp tết này, chúng tôi gặp Nguyễn Thị Nhung, quê ở Thanh Hóa, từng làm công nhân tại Công ty Nielsen Việt Nam. Nhung cho biết, chị  vừa nghỉ làm tại công ty cuối tháng 12/2013. Công ty ký hợp đồng thời vụ 3 tháng một lần và chị đã làm được ở đây 6 tháng. Khi lên hỏi ban lãnh đạo công ty thì nhận được câu trả lời rằng, đã hết hợp đồng thời vụ nếu có việc công ty sẽ ký tiếp.

“Tôi làm theo hợp đồng ngày 8 tiếng thì được công ty trả lương 150.000 đồng/ngày, ngoài ra không được hưởng thêm bất kì khoản trợ cấp nào. Một tháng, nếu làm đầy đủ cũng được 3,5 triệu đồng. Cách đây 1 tháng công ty cắt hợp đồng làm việc, tôi có đi tìm việc nhưng các công ty khác không nhận. Thời điểm này các công ty tuyển ít người nên rất khó xin việc làm”, chị Nhung kể.

6-chot.jpg
Công nhân thất nghiệp những ngày cuối năm là cảnh thường thấy ở các khu công nghiệp. (Ảnh: Internet)

Không như mọi năm, vào thời điểm cuối năm, người lao động thường mong làm tăng ca để có thêm thu nhập, tăng thêm tiền thưởng Tết. Tuy nhiên, năm nay công nhân không trông chờ được thưởng tết như mọi năm, mà chỉ mong giữ được việc làm.

Chị Trần Thu Biên, công nhân Công ty Nielsen Việt Nam cho biết, mỗi tháng chị kiếm được hơn 3 triệu. Nhưng khi đi làm có rất nhiều áp lực, chỉ sợ vi phạm quy định của công ty là bị trừ vào lương hoặc bị đuổi việc.

“Bọn em cũng mong là tết có tiền thưởng thì bị trừ ít thôi. Nhưng ở công ty, công nhân ai bị cảnh cáo, ai nghỉ nhiều thì cũng bị trừ vào tiền lương, ai phạm lỗi gì là bị đuổi luôn. Nhiều khi công ty chuyển tiền vào tài khoản còn không chuyển hết. Tết này là bọn em không được lĩnh lương của tháng 1, bọn em chỉ được mỗi tiền thưởng tết và lương của tháng 12” chị Biên cho hay.

Quyền lợi người lao động chưa được bảo đảm

Trên thực tế, để sa thải công nhân vào thời điểm trước Tết, nhiều Công ty lách luật bằng cách ký hợp đồng lao động có thời hạn đến gần cuối năm. Điều này có nghĩa trước khi Tết đến, số lao động này hết hợp đồng và không nhận được các khoản thưởng hay phúc lợi vào dịp Tết.

Theo báo cáo của Liên đoàn lao động Hà Nội, hiện số doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, giải thể hoặc ngừng hoạt động vẫn còn lớn. Tính hết tháng 10/2013 đã có hơn 10.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động và có khoảng 24.000 lao động mất và thiếu việc làm.

Qua kiểm tra, vẫn còn hơn 17.000 người chưa được ký hợp đồng lao động, nhiều lao động mặc dù có công việc thường xuyên nhưng chỉ được ký hợp đồng từ 1 - 3 tháng. Những thỏa ước lao động tập thể ở khu vực ngoài nhà nước vẫn mang tính hình thức, nội dung chủ yếu sao chép các quy định của pháp luật, ít có điều khoản quy định có lợi cho người lao động.

Để bảo vệ quyền lợi cho người lao động, ông Ngô Văn Tuyến, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội cho biết, Liên đoàn lao động thành phố đã rất ráo riết phối hợp với các ngành chức năng như Sở Lao động, Bảo hiểm xã hội cùng các ngành tham gia kiểm tra rà soát, đặc biệt chỉ đạo các ngành tham gia kiểm tra, chỉ đạo công đoàn cơ sở, kênh thông tin với liên đoàn lao động thành phố để nắm được việc ký kết hợp đồng lao động với các đơn vị đặc biệt dịp cuối năm. Những trường hợp ký kết không đúng pháp luật, Liên đoàn cùng các sở ngành kiểm tra tham gia đột suất và xử lý, yêu cầu làm đúng luật lao động./.