Tại hội nghị doanh nghiệp vận tải với an toàn giao thông diễn ra ngày 9/12 tại TP HCM, ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hải Phòng, kiến nghị Bộ GTVT cho phép nâng khối lượng toàn bộ của xe container kéo theo rơ moóc 2 trục lên 33 tấn và xe kéo theo rơmooc 3 trục lên 38 tấn.

Đồng thời, khối lượng này phải được ghi vào trong giấy đăng kiểm để doanh nghiệp có căn cứ thực hiện. Ngoài ra, hiệp hội này cũng kiến nghị điều chỉnh sức kéo của đầu kéo theo đúng thiết kế của nhà sản xuất, vì hiện nay một số đầu kéo chỉ được kéo với trọng lượng thấp hơn thiết kế.

Theo Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng, thời điểm này đang là mùa cuối năm lượng hàng hóa về nhiều để phục vụ nhu cầu Tết Nguyên đán, việc cho nâng tải trọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu xe và ùn tắc hàng hoá hiện nay.

van_chuyen_hang_hoa_bang_xe_container_pzlf.jpg Doanh nghiệp vận tải kiển nghị nâng tải xe kéo moóc 3 trục lên 38 tấn. (Ảnh: KT)
Về những kiến nghị của doanh nghiệp ông Nguyễn Hữu Trí, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, cho rằng Bộ GTVT đã cho phép cải tạo kỹ thuật đối với hơn 7.000 rơ moóc để nâng tải trọng, tuy nhiên đến nay số lượng doanh nghiệp cải tạo rất ít. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp bị thiếu xe.

Một doanh nghiệp vận tải tại TPHCM cho biết, việc cải tạo rơmooc để tăng tải trọng bằng cách điều chỉnh vị trí chốt kéo như hướng dẫn của Bộ GTVT là rất tốn kém trong khi tải trọng nâng lên không đáng kể.

Cụ thể, doanh nghiệp này cho biết để cải tạo rơ moóc theo tải trọng của Bộ GTVT thì mỗi rơ moóc tốn 16 triệu đồng, trong khi tải trọng nâng lên khá ít, hiệu quả đạt được không cao; chính vì vậy ít doanh nghiệp cải tạo rơ moóc.

Tại hội nghị, ông Đinh Nam Dinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM, cũng nói thêm: "Việc chấm dứt xe chở quá tải vào năm 2015 như kế hoạch của Bộ GTVT là không khả thi. Hiện nay, việc ký cam kết không chở quá tải cũng chỉ là trên giấy". Ông Dinh đặt vấn đề, tại sao không đưa vào luật để xử lý?./.