Trong hơn 1 tuần qua, giá cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên tăng trở lại và đạt mức hơn 32 triệu đồng/tấn, cao hơn 3 triệu đồng/1 tấn so với thời điểm giá thấp nhất.

Tuy nhiên, hoạt động thu mua - xuất khẩu của các doanh nghiệp vẫn rất trầm lắng. Một tỷ lệ lớn trong số ít cà phê buộc phải bán ra, đã được những người dân có tiền nhàn rỗi mua gom, trữ lại chờ giá lên.

Ông Phan Hùng Anh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Anh Minh, tỉnh Đắk Lắk cho biết, 2 tháng qua, doanh nghiệp chỉ mua được khoảng 4.000 tấn cà phê, bằng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc nông dân tự tạm trữ và bán dè dặt ra thị trường đã góp phần làm cho giá cà phê nhích dần lên, nhưng chính điều này lại làm khó cho doanh nghiệp.

“Giá xuống bằng với giá sản xuất, người nông dân cũng rất hạn chế bán ra. Việc gom hàng phục vụ cho xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Doanh ngiệp đang tiến hành thu mua, so với cùng thời điểm thì tiến độ thu mua niên vụ cà phê 2013 – 2014 chậm hơn niên vụ 2012 – 2013”, ông Phan Hùng Anh cho biết.

Theo tính toán, nếu giá cà phê ở mức 30 triệu đồng/1 tấn, sản xuất cà phê ở vùng thuận lợi như Đắk Lắk cũng chỉ đủ bù chi phí đầu tư, không đủ để nông dân trang trải cuộc sống. Giá dù tăng đến 33 triệu đồng/1 tấn như mấy ngày gần đây cũng vẫn cách xa mức giá hợp lý mà nông dân kỳ vọng, nên nông dân tiếp tục găm hàng. 

Một lý do nữa khiến hoạt động thu mua-xuất khẩu của các doanh nghiệp bị đình trệ, trong số cà phê đã được nông dân bán ra để phục vụ các nhu cầu cấp bách, thì phần lớn đã được những người có tiền nhàn rỗi tại địa phương mua gom, trữ lại.

Ông Lê Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9, tỉnh Đắk Lắk cho biết, ở thời điểm cà phê có giá 30 triệu đồng/1 tấn, đã có hàng ngàn người mua cà phê ký gửi tại kho của công ty.

“Hiện nay người dân, công chức gửi mua cà phê nhiều, họ gửi vào công ty 2/9 với lãi suất là 0.75%/tháng, tương đương 8 - 8.5%/năm. Kể cả một số nông trường có sản phẩm cũng đem vào công ty gửi nhưng đa phần là nông dân, công chức, họ mua từ khắp các nơi gửi vào./.