Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều nay (6/5), Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Phan Thị Diệu Hà cho biết, trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 9,7 tỷ USD, giảm 12,1% so với tháng 3 và tăng 9,1% so với tháng 4/2012. Còn nhập khẩu tháng 4 ước đạt 10,7 tỷ USD, giảm 7,6% so với tháng 3 nhưng tăng 18,8% so với tháng 4/2012. Tính chung 4 tháng, ước nhập siêu 722 triệu USD, bằng 1,8% tổng kim ngạch xuất khẩu. 

Như vậy, so với mức nhập siêu của tháng 3 (trên 540 triệu USD), thì tháng 4 nhập siêu đã tăng mạnh. Theo bà Hà, các nhóm hàng nhập khẩu tăng chủ yếu là nguyên phụ liệu dệt may, bông các loại, nguyên phụ liệu da giày, điện tử, chất dẻo…

Bà Hà giải thích, mức nhập siêu này tăng do các doanh nghiệp FDI phần lớn xuất khẩu thuộc nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm này đang có tăng trưởng xuất khẩu cao. Bản thân các doanh nghiệp sản xuất nhóm hàng này cũng tăng đầu tư, tăng nhập nguyên liệu nên càng tác động tăng trưởng xuất khẩu cao hơn so với khối doanh nghiệp trong nước.

Bên cạnh đó, khối doanh nghiệp xuất khẩu trong nước, mặc dù mức tăng trưởng có tiến bộ trong tháng 4, nhưng mức còn thấp. Các doanh nghiệp trong nước thường xuất khẩu chủ yếu ở nhóm hàng nông, lâm, thủy sản. Trong khi đó, 4 tháng qua, nhóm hàng này xuất khẩu giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2012, đã tác động đáng kể làm cho mức tăng trưởng xuất khẩu chung bị ảnh hưởng.

Không những thế, theo bà Hà, giá cả nông, lâm thời gian gần đây cũng có xu thế giảm giá khiến giá trị nhóm hàng này của Việt Nam xuất khẩu cũng bị ảnh hưởng giảm giá. Còn nhóm hàng thủy sản thì cũng gặp khó khăn do nhu cầu thế giới có xu hướng giảm. Các thị trường chính của thủy sản xuất khẩu Việt Nam, như EU, Nhật, Mỹ... đều có những khó khăn nội tại khiến lượng tiêu thụ hàng xuất khẩu từ Việt Nam cũng giảm. Đặc biệt, nhiều nước có đưa ra những rào cản về thuế quan, kỹ thuật đã tác động nhất định đến tăng trưởng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam.

Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết, trong tháng 5 và thời gian tiếp theo, Bộ Công thương sẽ theo dõi sát tình hình và diễn biến giá cả hàng hóa thị trường thế giới để có biện pháp hỗ trợ kịp thời nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu và doanh nghiệp xuất khẩu; tiếp tục đẩy mạnh cải tiến công nghệ, sử dụng nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị trong nước đã sản xuất được để giảm chi phí, góp phần giảm nhập siêu; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên nhằm tăng hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh./.