Sáng 6/5, tại TP Hồ Chí Minh, Ủy ban Kinh tế - Quốc hội khóa XIII khai mạc phiên họp toàn thể lần thứ 10. Trong 2 ngày diễn ra phiên họp, Ủy ban Kinh tế sẽ  góp ý cho 4 dự thảo: Luật Doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh; Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Góp ý cho dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi, các đại biểu cho rằng, luật Doanh nghiệp được sửa đổi cùng với các luật khác có liên quan như luật Đầu tư, luật Bất động sản…nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trực tiếp phục vụ cho sự phát triển của doanh nghiệp.

Luật Doanh nghiệp sửa đổi lần này đã dựa trên cơ sở thực tế với những vấn đề mới nảy sinh, thẳng thắn đề cập đến những bức xúc, tồn tại, từ đó có những quy định cụ thể hơn, bổ sung, sửa đổi phù hợp.

Các đại biểu cũng góp ý nhiều điểm cần xem xét, điều chỉnh trong dự thảo Luật này. Trong đó, quan trọng nhất là dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi nên bỏ chương nói về Doanh nghiệp nhà nước để tránh sự phân biệt đối xử, đảm bảo tính bình đẳng, tự do cạnh tranh giữa các loại hình doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, sau khi Luật doanh nghiệp nhà nước đã hết hiệu lực từ năm 2010, toàn bộ khối kinh doanh của nhà nước với 1 triệu 300 ngàn tỷ vốn chủ sở hữu đang được điều hành bằng nghị định và quyết định của Thủ tướng. Cần có quy định cho doanh nghiệp nhà nước nhưng phải một luật khác, ví dụ như Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư sản xuất kinh doanh, chứ không phải bằng một chương của Luật Doanh nghiệp.

Đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, nếu đưa Chương về doanh nghiệp nhà nước vào Luật Doanh nghiệp thì sẽ là bước thụt lùi so với Luật năm 2005. Phải cần có quy định về doanh nghiệp nhà nước nhưng không phải trong Luật này. Luật này là sân chơi chung, nhà nước với tính cách nhà đầu tư nếu tham gia kinh doanh thì chung trong cái sân này, chứ không có cái riêng./.