Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về dự án sửa đổi điều 170 Luật doanh nghiệp, tính đến ngày 1/7/2011 là thời hạn cuối cùng thực hiện đăng ký lại, trong số 6.000 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì còn khoảng 3.000 doanh nghiệp không đăng ký lại. Các doanh nghiệp này có tổng số vốn đăng ký là 18,5 tỉ USD, số lao động sử dụng là 446.000 người.
Thực trạng tồn tại gần 3.000 doanh nghiệp chưa thực hiện thủ tục đăng ký lại, gây nên rất nhiều hệ lụy là điều không ai mong muốn và chắc chắn không ai muốn hiện tượng này sẽ lặp lại. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Hải (đoàn Hòa Bình), “Trong Tờ trình của Chính phủ phần nêu các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên lại hết sức chung chung không rõ ràng, chẳng biết lỗi chính tại đâu, tại cơ quan nào, tại cơ chế nào”.
Việc để tồn đọng 2.916 doanh nghiệp chưa làm thủ tục đăng ký khiến Quốc hội lại phải lần thứ 2 sửa luật cho phù hợp với thực tiễn này. Nếu thông qua tờ trình của Chính phủ thì khó nhận biết nguyên nhân chính là tại đâu. Chẳng biết là do ý thức chấp hành luật của doanh nghiệp này chưa cao, hay do các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình, hay là do chính Quốc hội đã thông qua một dự án luật chưa có sự phù hợp tốt với thực tế.
Theo đại biểu Thanh Hải, nội dung của Tờ trình của Chính phủ mới chỉ giới hạn ở việc phân tích những mặt tích cực mà không hề nhắc tới những khó khăn hay những tác động không mong muốn có thể xảy ra khi luật được thông qua. Chẳng hạn như việc sửa đổi luật có khả năng sẽ ảnh hưởng tới tính tôn nghiêm của pháp luật hay không.
Có thể nói đây là một dự án luật hết sức đặc biệt vì chỉ có duy nhất một điều trong luật được sửa đổi tới 2 lần kể từ khi luật ra đời năm 2005. Vì vậy, đại biểu Thanh Hải đề nghị, tờ trình Chính phủ cần phải làm rõ tại sao chỉ duy nhất điều này cần chỉnh sửa và tần suất sửa đổi lại cao so với các điều khác trong luật như vậy.
Có nhiều điểm tương đồng trong ý kiến của đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) và đại biểu Nguyễn Thanh Hải. Đại biểu Thanh Tùng cho rằng, gần 4 năm sau khi điều khoản này được sửa đổi lần đầu năm 2009, cho thấy những vấn đề bất cập trong công tác xây dựng và thi hành pháp luật cần được nghiêm túc xem xét và rút kinh nghiệm.
Thứ nhất, đại biểu Thanh Tùng phân tích: Điều này cho thấy các cơ quan hữu quan chưa nghiên cứu, đánh giá đầy đủ về tác động của chính sách, cụ thể ở đây là sự cần thiết, tính hợp lý và tác động của việc quy định thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài khi xây dựng Luật doanh nghiệp năm 2005 làm cho chính sách thiếu ổn định, phải thay đổi thường xuyên khiến doanh nghiệp bị động. “Điều này ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm của pháp luật và hiệu quả, hiệu lực của hoạt động quản lý nhà nước” – đại biểu nhấn mạnh.
Thứ hai, các cơ quan quản lý nhà nước được giao trách nhiệm thi hành Luật doanh nghiệp, Luật đầu tư chưa làm tròn trách nhiệm trong việc tổ chức, tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp; thiếu đôn đốc kiểm tra, theo dõi, đánh giá hoạt động đầu tư của doanh nghiệp để kịp thời kiến nghị biện pháp xử lý những vướng mắc và vi phạm pháp luật trong hoạt động của doanh nghiệp. Ở đây có phần trách nhiệm của doanh nghiệp. Tuy nhiên, đại biểu Thanh Tùng cho rằng, việc quy trách nhiệm chủ yếu cho doanh nghiệp không thực hiện thủ tục đăng ký lại như nêu trong tờ trình là chưa thực sự thoả đáng. Thời hạn 5 năm để các doanh nghiệp đăng ký lại đã kết thúc vào ngày 1/7/2011 nhưng đến nay sau gần 2 năm Chính phủ mới trình Quốc hội xem xét lại vấn đề này là quá chậm trễ và làm phát sinh những hệ luỵ pháp lý phức tạp.
Thứ ba, việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài không chấp hành nghiêm quy định về thời hạn đăng ký lại, thậm chí một số doanh nghiệp đã hết thời hạn hoạt động theo giấy phép đầu tư nhưng vẫn tiếp tục tuyển dụng lao động, vẫn ký kết hợp đồng, vẫn nộp thuế. Việc các DN được châm trước bỏ qua vi phạm, cho đăng ký lại để tiếp tục hoạt động trong chừng mực nào đó sẽ tạo ra một tiền lệ xấu về ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Điều này cũng đánh đồng các doanh nghiệp chấp hành nghiêm pháp luật trong việc đăng ký lại với các doanh nghiệp không chấp hành, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp đã đăng ký lại để hoạt động theo Luật doanh nghiệp năm 2005 với các doanh nghiệp không đăng ký lại. Vấn đề này nếu không được làm rõ và chấn chỉnh sẽ dẫn đến tình trạng không ít doanh nghiệp cho rằng có thể bất chấp pháp luật, dùng sức ép để thu hút đầu tư về công ăn việc làm của người lao động để bắt nhà nước phải chiều theo ý mình.
Còn đại biểu Ngô Văn Minh (đoàn Quảng Nam) thì cho rằng: “Dự thảo mang tính đối phó, thử sức đại biểu Quốc hội: từ phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, giải thích từ ngữ, hồ sơ đăng ký... có đến 24 điều, trong khi dự thảo luật chỉ sửa một khoản”.
Trở lại với nội dung sửa đổi, Đại biểu Thanh Tùng đề nghị khi sửa đổi điều 170 cần xem xét rất thận trọng, tránh tâm lý cực đoan, chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ chỗ quy định rất chặt chẽ về thời hạn đăng ký lại sang quá thoáng, bỏ mọi giới hạn có thể tạo ra kẽ hở pháp luật dẫn đến bị lạm dụng để vi phạm pháp luật.
Với tinh thần đó, Điểm a, Khoản 2, đại biểu Thanh Tùng tán thành việc quy định thời hạn đăng ký lại 5 năm nhưng đề nghị bổ sung quy định "việc đăng ký lại phải được thực hiện trước khi kết thúc thời hạn hoạt động của doanh nghiệp theo giấy phép đầu tư". Việc bổ sung này là cần thiết nhằm khắc phục thời hạn doanh nghiệp hoạt động “chui” sau khi hết thời hạn hoạt động sau đó mới xin đăng ký lại, vừa là sự coi thường pháp luật, vừa làm phát sinh những rủi ro về pháp lý mà chính luật này đang phải giải quyết.
Trước Quốc hội, Bộ trưởng Kế hoạch-Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận trách nhiệm về những yếu kém trong quản lý Nhà nước. “Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý doanh nghiệp, kể cả đổi giấy phép. Nhưng từ đó đến nay các địa phương cũng không hề báo cáo với Bộ KH-ĐT về việc có DN muốn đăng ký. Thực ra địa phương cũng không nắm được ông nào muốn đăng ký…”.
Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cũng bày tỏ cái “khó” khi phải sửa điều 170: Nếu không sửa, không cho phép thì sẽ gây tổn hại rất lớn, đóng cửa tới gần 3 nghìn doanh nghiệp, gây hậu quả rất lớn. Nhưng nếu gia hạn cho họ thì thượng tôn pháp luật lại không nghiêm”.
Chính phủ đề nghị sửa đổi khoản 2 điều 170 Luật doanh nghiệp theo hướng bãi bỏ thời hạn đăng ký lại của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cho phép các doanh nghiệp được lựa chọn không đăng ký lại hoặc đăng ký lại tại thời điểm thích hợp đối với doanh nghiệp.
Ngoài ra, cho phép doanh nghiệp không đăng ký lại tiếp tục hoạt động theo giấy phép đầu tư, điều lệ doanh nghiệp. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập trước ngày 1/7/2006, đã hết thời hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư sau ngày 1/7/2006 và chưa thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp được thực hiện thủ tục đăng ký lại để tiếp tục hoạt động. Doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trước pháp luật các vấn đề phát sinh kể từ ngày hết hạn hoạt động theo quy định tại giấy phép đầu tư cho đến thời điểm đăng ký lại doanh nghiệp.