Theo nhận định của Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á (Bộ Công Thương), tại nhiều nước châu Phi, ngành công nghiệp dệt may còn chưa phát triển dù có nguồn bông nguyên liệu dồi dào. Với dân số và thu nhập của người dân châu Phi ngày càng tăng, lục địa này sẽ trở thành một thị trường tiêu thụ đầy triển vọng cho mặt hàng dệt may.
Cơ quan này cũng cho biết, tính từ năm 2012, Việt Nam đã xuất khẩu sản phẩm dệt may và vải sợi sang 38 nước châu Phi đạt 164,47 triệu USD, tăng 17% so với năm 2011. Đây là một trong 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam tại châu Phi (cùng với gạo, thủy sản, cà phê và điện thoại di động).
Hiện nay, trong số các nước cung cấp hàng dệt may cho châu Phi, Trung Quốc và Ấn Độ chiếm thị phần lớn nhất. Tuy nhiên, một số nước châu Phi như Nam Phi đã áp dụng cơ chế hạn ngạch đối với quần áo Trung Quốc vì lý do bán phá giá và chất lượng không bảo đảm. Đây là cơ hội cho hàng của Việt Nam có thể tăng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường khu vực.
Mặc dù Việt Nam là một trong 8 quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn trên thế giới, song giá trị xuất khẩu của nhóm hàng này sang châu Phi còn khá khiêm tốn. Theo đánh giá, Việt Nam hoàn toàn có thể gia tăng xuất khẩu hàng dệt may vào châu Phi, bởi mặt hàng này có những lợi thế cạnh tranh như chi phí lao động thấp hơn so với nhiều nước châu Á, trong khi kỹ năng, tay nghề may tốt và năng suất, chất lượng cao.
Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á cũng lưu ý, các doanh nghiệp xuất khẩu hàng dệt may vào châu Phi cần tích cực tuyên truyền về tiềm năng, thương hiệu hàng dệt may của mình, đồng thời tham gia các đoàn nghiên cứu chính sách và xúc tiến thương mại sang châu Phi để gặp gỡ trực tiếp đối tác. Tham dự các hội chợ, triển lãm quốc tế và các cuộc hội thảo, diễn đàn doanh nghiệp cũng là dịp để doanh nghiệp tìm hiểu thông tin thị trường, tiếp xúc khách hàng uy tín.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tìm hiểu và nắm được các tập tục, văn hóa kinh doanh, quy định XNK cũng như phương thức thanh toán.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp có thể xem xét khả năng đầu tư tại một số thị trường lớn tại châu Phi để tận dụng nguồn nhân công và nguyên liệu giá rẻ, sẵn có để sản xuất hàng dệt may phục vụ nhu cầu nước sở tại và xuất khẩu.
Đặc biệt, hầu hết các nước châu Phi được hưởng ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu sang EU và Mỹ. Luật Cơ hội và Tăng trưởng châu Phi của Hoa Kỳ (AGOA) cho phép gần như toàn bộ hàng hoá của 48 nước châu Phi khu vực hạ Sahara trong đó có dệt may được nhập khẩu vào Hoa Kỳ miễn thuế và không bị hạn chế về số lượng./.