Hiện nay, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý 28/243 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 155 dịch vụ hành chính công và hơn 1.200 điều kiện kinh doanh. Với phạm vi quản lý bao trùm nhiều ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh quan trọng, Bộ Công Thương được đánh giá là một trong những đơn vị có nhiều điều kiện kinh doanh với thủ tục hành chính phức tạp nhất.
Mới đây, quyết định cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương được xem là tin vui cho các doanh nghiệp với kỳ vọng sẽ tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp phải.
Ông Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Công ty CP tư vấn phát triển và thương mại Phúc Lâm (đơn vị phân phối sản phẩm nước mắm Phú Quốc) tỏ rõ sự vui mừng khi biết Bộ Công Thương quyết định cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh trong ngành.
Được cởi bỏ 675 điều kiện kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp tin tưởng sẽ tạo ra một xu hướng phát triển mới. (Ảnh minh họa: KT) |
Một vấn đề nữa khiến ông Thành lo ngại và kỳ vọng sẽ được tháo gỡ, đó là những khó khăn trong việc đào tạo nhân sự thuộc lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm. Các đối tượng này thi tuyển nhiều nhưng thời gian gắn bó với doanh nghiệp lại rất ngắn. Theo quy định, doanh nghiệp bắt buộc phải đào tạo nhân sự khi mới vào. Khi đào tạo xong, nếu họ nghỉ lại phải tuyển người khác và lại đào tạo, như vậy mất rất nhiều thời gian.
Theo ông Thành, nếu cởi bỏ được điều kiện này, nghĩa là doanh nghiệp tự cam kết với cơ quan chức năng, chịu trách nhiệm trước xã hội về việc đảm bảo chất lượng hàng hóa trước khi cung cấp ra thị trường thì doanh nghiệp sẽ chủ động hơn trong việc đào tạo.
“Cộng đồng doanh nghiệp được cởi bỏ 675 điều kiện chắc chắn sẽ tạo ra một xu hướng phát triển mới. Các doanh nghiệp chủ động hơn, hạn chế rất nhiều rào cản về mặt hành chính để có thời gian và có điều kiện chăm lo tốt hơn cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên cũng băn khoăn, sau khi cắt giảm số lượng lớn điều kiện này liệu có phát sinh thêm điều kiện khác hoặc dưới hình thái khác hay không”, ong Thành chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Xuân Thành, đại diện Công ty CP Viễn thông Viettel cho rằng, việc cải cách không chỉ dừng lại ở cắt giảm thủ tục. Quan trọng là không làm phát sinh thủ tục mới không hợp lý, đồng thời thực hiện một cửa một đầu mối, thay vì nhiều đầu mối như hiện nay.
Bởi dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 37 quy định, sau khi doanh nghiệp xác nhận xong, chỉ cần báo cáo về Bộ, thế nhưng tại một văn bản hướng dẫn cấp thông tư thì lại quy định thêm, ngoài việc báo cáo với bộ thì vẫn phải báo cáo với Sở, như vậy vẫn là thành 2 cửa.
“Chúng tôi mong muốn là trong quá trình rà soát, Bộ cũng nên rà soát các thủ tục và những giấy tờ nào của cơ quan quản lý Nhà nước có thể tra cứu được từ các cổng thông tin điện tử của các bộ liên quan thì có thể cắt giảm bớt cho doanh nghiệp…”, ông Thành nêu rõ.
Việc Bộ Công thương đề xuất bãi bỏ gần 700 điều kiện kinh doanh là tín hiệu vui, là động thái cắt giảm mạnh tay chưa từng có. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc còn tới hơn 500 điều kiện kinh doanh thuộc Bộ Công Thương vẫn là quá nhiều, đòi hỏi Bộ Công Thương phải thực hiện cắt giảm mạnh tay nữa.
Trước thực tế này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, tiếp tục lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp để xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh. Định hướng lớn của Bộ sẽ tiếp tục rà soát để giảm bớt danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành, bao gồm cả trước thông quan và sau thông quan.
Với các mặt hàng bắt buộc phải kiểm tra, tăng cường hình thức hậu kiểm và đẩy mạnh việc áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro; Tiếp tục bãi bỏ và đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của Bộ:
“Bộ sẽ tiếp tục đợt 2 hoàn thiện việc quản lý Nhà nước, hoàn thiện tiến trình rà soát, sửa đổi theo hướng thông thoáng các thủ tục hơn và cắt giảm tối đa các điều kiện không cần thiết trong việc đăng ký kinh doanh và các lĩnh vực”, Bộ trưởng khẳng định.
Việc Bộ Công Thương công bố kế hoạch cắt giảm 675 điều kiện kinh doanh mà dư luận thường gọi là "giấy phép con" đã tạo nên sự hứng khởi cho cộng đồng doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn rằng, việc cam kết cắt giảm hoặc sửa đổi điều kiện kinh doanh của một số bộ, ngành cũng cần được giám sát chặt để đạt hiệu quả như xã hội kỳ vọng./.
Còn 1.216 điều kiện kinh doanh cản trở phát triển do Bộ Công thương ban hành