Trao đổi với TBKT Sài Gòn ngày 2/7, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel cho hay, trong thời gian qua, thuê bao 3G phát triển rất mạnh khiến lưu lượng dữ liệu (data) trao đổi trên mạng tăng lên nhanh chóng và tạo nên một áp lực lớn trên hạ tầng mạng. Trong khi đó, giá cước 3G hiện nay rất rẻ so với chi phí mà nhà mạng đã đầu tư vào hạ tầng.
Theo tính toán của các nhà mạng, giá cước 3G đang bán dưới giá thành, như vậy nếu không tăng cước 3G thì về lâu dài họ sẽ không đủ nguồn lực để tái đầu tư phát triển mạng lưới. Trong khi đó, nếu tiếp tục duy trì mức cước thấp thì người tiêu dùng cũng sẽ bị thiệt do nhà mạng không đủ sức đầu tư nâng chất lượng mạng cũng như mở rộng vùng phủ sóng.
Do đó, ông Trung nói rằng Viettel đang xem xét lại việc điều chỉnh các gói cước 3G theo hướng tăng lên. Tuy nhiên, các gói cước cơ bản phục vụ cho các đối tượng có nhu cầu trao đổi dữ liệu thấp vẫn được giữ nguyên.
“Hiện, Viettel đã kiến nghị lên Bộ Truyền thông và Thông tin xem xét cho tăng cước 3G và thời điểm điều chỉnh sẽ phụ thuộc vào sự cho phép của bộ,” ông Trung nói.
Trước khi nhà mạng Viettel lên tiếng đề xuất tăng giá cước 3G thì hồi tháng 4 năm nay, hai nhà mạng MobiFone và VinaPhone đã điều chỉnh lại các gói cước 3G tăng lên khoảng 10%.
Lý giải cho việc tăng cước này, ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của Tập đoàn VNPT (đơn vị sở hữu mạng VinaPhone và MobiFone) cho rằng, thực chất giá 3G không thay đổi mà nhà mạng chỉ tái cơ cấu lại gói giá cước. Theo con số thống kê của hai mạng di động này, thuê bao 3G tăng rất mạnh kèm với đó là lưu lượng sử dụng trung bình trên mỗi thuê bao cũng tăng nhanh khiến cho các gói cước đã được thiết kết trước đó không còn phù hợp với nhu cầu của người dùng.
“Chính vì vậy, gói cước cũ như cái áo đã chật và buộc nhà mạng phải điều chỉnh giá cước kèm theo với việc tăng lưu lượng data dữ liệu. Nếu nhìn kỹ chi tiết từng gói cước thì thực sự giá không tăng quá nhiều,” ông Việt nói.
Cũng theo ông Việt, hiện Bộ Thông tin và Truyền thông cũng gần như không quản lý giá cước mà khuyến khích nhà mạng điều chỉnh giá cước theo hướng có lợi cho cả người dùng và nhà cung cấp dịch vụ, đưa lại nhiều lựa chọn giá cước đa dạng cho người tiêu dùng.
Bình luận về việc này, các chuyên gia viễn thông cho rằng như vậy, dù các nhà mạng nói đó là không phải tăng giá mà là đưa ra gói mới có dung lượng, tốc độ truy cập lớn… nhưng với khách hàng, đó hiển nhiên là tăng giá.
“Việc tăng thêm trung bình 10.000 đồng cho các gói cước có thể không phải là quá nhiều nhưng điều đáng quan tâm vẫn là việc liệu giá cước tăng lên có đi kèm với việc cải thiện được chất lượng dịch vụ cho người tiêu dùng hay không?”, ông quan ngại.
Theo báo cáo sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Truyền thông và Thông tin, thuê bao điện thoại di động 2G và 3G đã tăng 4,3 triệu thuê bao. Số thuê bao điện thoại cả nước tính đến cuối tháng 6 năm nay ước tính đạt 145,47 triệu thuê bao, bao gồm: Điện thoại cố định 9,47 triệu thuê bao và di động 2G, 3G là 136 triệu thuê bao./.