Cuối tuần này, hội nghị thường niên lần thứ 75 của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (International Air Transport Association – IATA) sẽ diễn ra tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc.

Trong rất nhiều nội dung dự kiến được lãnh đạo cấp cao các hãng hàng không hàng đầu thế giới thảo luận tại hội nghị lần này, an ninh - an toàn hàng không tiếp tục được đặt lên hàng đầu và được các hãng hàng không đặc biệt lưu ý.

pic_5_svij.png
Jetstar là một trong ba hãng hàng không Việt đạt chuẩn an toàn 7 sao quốc tế của AirlinesRating.

Hàng không là một ngành đặc thù khi tất cả các hãng hàng không hoạt động trên thế giới đều phải tuân thủ một số những quy định chung nhằm đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động khai thác. Trước mỗi chuyến bay, một loạt các hoạt động kiểm tra sẽ được thực hiện nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho hành khách.

Tại Việt Nam, cơ quan quản lý trực tiếp là Cục Hàng không và các hãng hàng không đều ghi nhận những kết quả tích cực trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn. Trong hơn hai mươi năm, Việt Nam không xảy ra bất cứ sự cố hàng không nghiêm trọng nào, đồng thời ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ về cả khối lượng lẫn chất lượng của ngành hàng không Việt Nam.

Năm 2018, vận chuyển của các hãng hàng không Việt Nam đã đạt tới 50 triệu hành khách, tăng 14% và gần 400.000 tấn hàng hóa, tăng 26% so với năm 2017.

Vietjet, Vietnam Airlines và Jetstar Pacific Airlines - ba hãng hàng không lớn nhất của Việt Nam đều được xếp hạng cao nhất 7/7 sao về an toàn hàng không bởi tổ chức uy tín AirlineRatings. Một trong những tiêu chuẩn quan trọng để các hãng hàng không Việt Nam được đánh giá cao nhất về an toàn là việc sở hữu chứng nhận an toàn khai thác của IATA (IOSA).

Kể từ khi IOSA được áp dụng, các hãng hàng không đạt chứng nhận này có hồ sơ hoạt động an toàn hơn gấp 4 lần so với những hãng không có chứng nhận.

Năm 2017, tỷ lệ tai nạn của những hãng hàng không đạt chứng nhận IOSA là 0,56/1 triệu chuyến bay, thấp hơn gần 4 lần so với tỷ lệ 2,17 tai nạn/1 triệu chuyến bay của các hãng bỏ qua kiểm tra IOSA. Trong khoảng thời gian 2012-2016, tỷ lệ tai nạn của các hãng đạt IOSA thấp hơn những hãng không có IOSA gần 3 lần. AirlineRatings cho biết việc kiểm tra tiêu chuẩn IOSA được thực hiện 2 năm/lần, bao gồm hơn 1.060 thông số.

Chỉ có 16% các hãng hàng không trên thế giới có chứng chỉ IOSA, 3 hãng hàng không Việt: Vietnam Airlines, Vietjet, Jetstar đều có chứng chỉ này, Bamboo Airways chưa có chứng chỉ IOSA.

Nhờ thế, tháng 2 vừa qua Việt Nam đã nhận được chứng chỉ phê chuẩn năng lực giám sát an toàn hàng không mức 1 (CAT 1) của Cục Hàng không Mỹ (FAA). CAT 1 là chuẩn giám sát an toàn hàng không được phê chuẩn bởi chương trình đánh giá an toàn hàng không quốc tế của FAA, là tiền đề để các hãng hàng không Việt Nam có thể mở đường bay thẳng tới Mỹ - thị trường hàng không lớn và phát triển nhất thế giới. Giấc mơ về đường bay thẳng tới Mỹ đã gần hơn bao giờ hết.

Không thể phủ nhận, những nỗ lực của các nhà chức trách hàng không cùng với các hãng hàng không Việt Nam trong việc củng cố và nâng tầm ngành hàng không Việt trên bản đồ thế giới đã bước đầu mang tới kết quả tích cực và được ghi nhận bởi các tổ chức uy tín toàn cầu, khẳng định chất lượng, dịch vụ của cả ngành./.