Sáng 25/10, tại Hà Nội, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam) phối hợp cùng Liên đoàn Phụ nữ quốc tế về Thương mại và Công nghiệp Singapore và Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức khai mạc Hội thảo quốc tế về Doanh nghiệp xã hội 2012 với chủ đề “Doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội”.

Phát biểu khai mạc hội thảo, bà Cao Thị Hồng Vân, Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển khẳng định: Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động của khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp xã hội (DNXH) với mục tiêu phục vụ lợi ích xã hội, cộng đồng rất cần được khuyến khích và hỗ trợ phát triển. Hội thảo nhằm góp phần nâng cao nhận thức về các giá trị và đóng góp của DNXH, tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và giới thiệu các dự án DNXH mới, đồng thời thiết lập quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp quốc tế.

anhdnxh1.jpg
Hội thảo Quốc tế Doanh nghiệp Xã hội 2012 "Doanh nghiệp với trách nhiệm xã hội"

Đại diện Singapore, quốc gia có lực lượng DNXH đông đảo và nhiều thành công, bà Ann Phua (Chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Quốc tế về Công nghiệp và Thương mại Singapore) cho biết: Cần công thức 3PH cho một DNXH thành công. Đó là, Sự kiên trì (Perseverance), Kiên nhẫn (Patient), Đam mê (Passion) và Sức khỏe (Health).

Là một trong những tổ chức tiên phong trong lĩnh vực DNXH ở Việt Nam, ông Robin Rickard, Giám đốc Hội đồng Anh tại Việt Nam, cho biết tại Anh phần lớn các DNXH hoạt động ở quy mô nhỏ và vừa. Trong khi đó, có một nguy cơ là chỉ những doanh nghiệp xã hội lớn nhất mới được coi là có khả năng thực hiện những dự án lớn của Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ Anh đã xem xét trao những hợp đồng nhỏ cho doanh nghiệp xã hội để khuyến khích họ tham gia việc cung cấp dịch vụ.

Chương trình DNXH của Hội đồng Anh với mục tiêu huy động tất cả các nỗ lực và sự tham gia của nhiều tổ chức liên quan, bao gồm các cơ quan chính phủ, các bộ, giới truyền thông, các doanh nghiệp và các nhà tài trợ, để tạo ra môi trường thuận lợi cho DNXH phát triển và đóng góp có hiệu quả cho sự phát triển của Việt Nam. “Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm và bài học quý của Anh với Việt Nam, đồng thời học hỏi thêm từ sự phát triển của Việt Nam” – ông Robin Rickard nhấn mạnh.

Khẳng định nhu cầu hoạt động của DNXH tại Việt Nam là có thật, ông Đinh Ngọc Quý, Ủy ban Các vấn đề xã hội (Quốc hội Việt Nam) cho rằng: Nhu cầu này rất cần sự đồng thuận của xã hội, cơ chế pháp lý đảm bảo nhằm góp phần cùng nhà nước hỗ trợ các nhóm dân cư có nhu cầu được cung cấp dịch vụ thiết yếu. Tuy nhiên, ông Quý cũng lưu ý: Học hỏi kinh nghiệm các nước phát triển, các quốc gia đi trước là tất yếu, vấn đề là làm thế nào để Việt Nam hóa các mô hình và hạn chế các tác động tiêu cực?

Khẳng định DNXH là một xu hướng phổ biến gần đây, bà Naaz Farhna Ahmed (Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Phụ nữ Dhaka, Bangladesh) cho biết, Chính phủ nên đóng vai trò của một người hỗ trợ DNXH bằng cách giảm bớt chi phí kinh doanh, loại bỏ các rào cản pháp lý, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và cung cấp các ưu đãi để thu hút các thương hiệu toàn cầu.

“Lãi suất được tạo ra bởi các DNXH được giữ lại vì lợi ích của người nghèo. Mục đích của DNXH phải thể hiện mục đích xã hội của doanh nghiệp. Mục đích xã hội của doanh nghiệp dựa trên niềm tin rằng, sự thay đổi xã hội là tốt cho kinh doanh và kinh doanh là tốt cho sự thay đổi xã hội”.

Trong hai ngày 25 và 26/10, hội thảo sẽ thông tin kiến thức về DNXH; tập trung thảo luận về trách nhiệm xã hội của DNXH; các dự án xã hội về cộng đồng – thách thức về sự bền vững; giới thiệu các dự án DNXH mới…/.