Để giới thiệu và đẩy mạnh nhận thức về giá trị của mô hình doanh nghiệp xã hội (DNXH) tại Việt Nam, sáng 16/5, tại Hà Nội, Hội đồng Anh cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến Phục vụ Cộng đồng (CSIP) đồng tổ chức hội thảo công bố báo cáo nghiên cứu “Doanh nghiệp xã hội tại Việt Nam- Khái niệm, bối cảnh và chính sách”.

Theo nghiên cứu này, DNXH là một xu thế mới xuất hiện ở Việt Nam, và đã có những phát triển mạnh mẽ trong vài năm trở lại đây không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên toàn thế giới. DNXH, cũng như các DN bình thường, tổ chức các hoạt động sản xuất tạo ra sản phẩm và cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, khác với các doanh nghiệp thông thường, DNXH được hình thành với mục đích đối tượng là để giải quyết một hoặc nhiều vấn đề mà xã hội hay môi trường cụ thể thông qua mô hình kinh doanh bền vững, chứ không nhằm tối đa hóa lợi nhuận cho chủ sở hữu hoặc nhà đầu tư.

doanhnghiepxahoi.jpg

Nhiều chuyên gia cho rằng, cần pháp lý hóa DNXH và có cơ chế quản lý, giám sát hợp lý để tránh việc lạm dụng danh nghĩa DNXH để kiểm lợi

Báo cáo nghiên cứu nêu bật tiềm năng và vai trò quan trọng của mô hình DNXH trong việc giải quyết các vấn đề xã hội một cách bền vững, góp phần đạt được sự phát triển kinh tế ổn định trong một nền kinh tế đang phát triển mạnh như Việt Nam. Các thảo luận tại hội thảo đã thể hiện sự đồng thuận trong việc tăng cường hỗ trợ sự phát triển của mô hình DNXH bên cạnh các mô hình phát triển kinh tế và xã hội truyền thống.

Ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ KHĐT đánh giá: Việc nghiên cứu chuyên sâu về mô hình DNXH là một bước đi kịp thời và mang ý nghĩa quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của xã hội, cũng như các cơ quan nhà nước trong việc lập chính sách về DNXH.

Bởi vì, “gần đây, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của doanh nghiệp nói chung, đã có hàng nghìn doanh nghiệp đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn quốc tế phổ biến và DNXH được thành lập, đang hoạt động khá hiệu quả, bước đầu góp phần giải quyết các vấn đề xã hội, môi trường như đào tạo kỹ năng nghề cho con em gia đình nghèo, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật… và tạo cho họ việc làm ổn định, có thu nhập tương đối cao trong điều kiện chung của xã hội. Đó là những doanh nhân xã hội năng động, sáng tạo, luôn cố gắng để vượt qua những hạn chế về khả năng, nguồn lực, đóng góp tích cực cho cộng đồng”- ông Đông cho biết.

Chứng kiến sự lớn mạnh không ngừng của DNXH tại Việt Nam mấy năm qua, Giám đốc Hội đồng Anh Robin Rickard cho rằng: “là một lĩnh vực mới, DN xã hội rất cần được nuôi dưỡng và hỗ trợ để phát huy hết tiềm năng của mình tạo ra những ảnh hưởng tích cực, sâu rộng lên nền kinh tế và xã hội Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan, bộ ngành của Chính phủ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp xã hội, các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác có liên quan khác, nhằm vận động cho việc hình thành một môi trường thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xã hội phát triển trong một xã hội mà các thành quả hoạt động của họ được nhìn nhận và đánh giá cao”.

Trong 20 năm gần đây, mô hình DNXH ngày càng thu hút sự quan tâm mạnh mẽ của nhiều Chính phủ, DN và các tổ chức phát triển trên thế giới. Hiện nay, hiểu biết về DNXH ở Việt Nam vẫn còn rất hạn chế, gây nhiều khó khăn cho sự phát triển và nhân rộng các mô hình thành công.

Ngoài ra, DNXH chưa được công nhận chính thức từ phía Nhà nước, thiếu một địa vị pháp lý rõ ràng, hạn chế về nguồn nhân lực, khả năng tiếp cận vốn…. Tuy nhiên, cơ hội và tính cần thiết phải phát triển DNXH như một mô hình kinh tế bền vững nhằm giải quyết một cách hiệu quả các vấn đề xã hội và môi trường ngày một trở nên bức thiết.

Báo cáo chỉ rõ đã đến lúc Chính phủ cần coi các DNXH như những đối tác quan trọng trong việc thực hiện các mục tiêu xã hội và đồng thời hỗ trợ DNXH phát triển bằng việc ban hành các văn bản pháp luật tạo lập khung khổ pháp lý, chính thức công nhận, và đề ra các chính sách cụ thể để khuyến khích sự phát triển của mô hình này./.