Doanh nghiệp đường thủy nội địa đang chật vật với “1 cổ, 10 tròng”. Đó là ý kiến được nhiều đại biểu đồng tình tại hội thảo “Gỡ nút thắt cho hạ tầng giao thông đường thủy” do Hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.

thuy4_afum.jpg
Còn nhiều bất hợp lý trong quản lý đường thủy, gây hạn chế phát triển vận tải. Đặc biệt là vận tải đường thủy khó bứt phá vì phí chồng phí.

Cuộc tọa đàm đã trở thành cơ hội để các doanh nghiệp “kể khổ” và ý kiến từ những người đang lăn lộn với đường thủy nội địa đã lý giải được phần nào lý do vì sao vận tải thủy nội địa nhiều năm nay không thể phát triển dù được thiên nhiên ưu đãi.

“Vận tải đường thủy khó bứt phá vì phí chồng phí”

Đó là nhận định của ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội vận tải thủy nội địa Việt Nam.

Theo ông Trần Đỗ Liêm, hiện người làm nghề vận tải thủy đang nộp đủ các sắc thuế và lệ phí: từ đăng ký kinh doanh, đăng ký phương tiện, vùng nước, bến cảng, cảng phí, rồi phí đường dài…Phí chồng phí làm cho đường thủy nội địa bị trì kéo nặng nề.

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Gỡ nút thắt hạ tầng, thúc đẩy phát triển giao thông đường thuỷ".

Dẫn chứng việc các doanh nghiệp đang bị “hành”, ông Liêm cho biết, hiện nay có nhiều cung đường thủy chính, bình quân chỉ 14-15km lại có một trạm kiểm soát. Đơn cử, cung đường Đồng Tháp - Tiền Giang - Long An – TP HCM dài 175km nhưng có tới 13 trạm. Qua các trạm này đều tốn thời gian và chi phí khá cao.

“Lẽ ra, mỗi tỉnh chỉ nên đặt 1-2 trạm kiểm tra đường thủy trên một tuyến, khoảng cách các trạm nên được kéo giãn khoảng 50km…Trong khi các doanh nghiệp chật vật vì các sắc thuế và lệ phí, hạ tầng đường thuỷ lại hầu như không được quan tâm đầu tư”, ông Liêm nói.

Đồng tình với ý kiến này, đại diện Công ty vận tải thủy Thuận Hải cho biết, trong lĩnh vực vận tải thủy, hiện nhiều cơ quan chức năng đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Vị này chia sẻ: “Trước tôi làm quản lý, không để ý lắm vấn đề này nhưng giờ chuyển sang doanh nghiệp thì “đúng là điên đầu”. Hiện doanh nghiệp luôn bị “1 cổ 10 tròng, chứ không phải 3 tròng nữa”.

Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội Vận tải Thủy nội địa Việt Nam. 

Theo đại diện Công ty Thuận Hải, hiện toàn bộ phương tiện thủy nội địa đều do người dân tự đầu tư, vận tải đường thủy cũng đang nộp đủ các sắc thuế và lệ phí. Phí chồng phí làm cho việc bứt phá của đường thủy nội địa trong thời kỳ phát triển bị trì kéo nặng nề, gây lãng phí tiềm năng.

Còn ông Mai Lê Lợi - Tổng Giám đốc công ty cổ phần Vinalines logistics, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam nêu những ưu điểm của vận tải thủy và chỉ ra những bất cập cần xử lý trong thời gian tới. Trong đó, để cải thiện năng lực kết nối, Vinalines đề xuất quy hoạch, khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống ICD, kho bãi, cảng thủy nội địa và mạng lưới giao thông đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt nhằm kết nối đến các cảng nước sâu, phát huy tối đa tính hệ thống, tính tổng thể của mạng lưới logistics nội địa.

Không có cơ chế cởi trói cho vận tải thủy sẽ rất khó phát triển.

Theo đó cần ưu tiên kết nối giữa các bến cảng hiện có tại Cái Mép, Hiệp Phước với Bình Dương, Đồng Nai và đồng bằng sông Cửu Long; giữa Lạch Huyện với khu vực Hà Nội, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Việt Trì. Nghiên cứu, phát triển hệ thống quản lý cảng, bến thủy nội địa, ICD có thể áp dụng chung trên toàn quốc, tương thích với các phần mềm (TOS) của các cảng để nâng cao hiệu quả quản lý, kết nối.

Tiếp theo, cần tăng cường quản lý, điều tiết của các cơ quan quản lý nhà nước và địa phương thông qua cơ chế giá cả (phí, lệ phí, biểu giá…) để hạn chế những bất cập của thị trường.

Bằng mọi cách sẽ tháo gỡ khó khăn cho vận tải thủy

Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, để gỡ nút thắt hạ tầng, thúc đẩy phát triển giao thông đường thủy, cần có giải pháp tổng thể liên quan đến cả vấn đề giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển.

Ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy Nội địa Việt Nam. 

Hiện nay, giá vận tải đường thủy vẫn còn đắt. Vì đắt nên người dân, doanh nghiệp vẫn đô xô vận chuyển bằng đường bộ. Khi chọn đường bộ thì đương nhiên sẽ gây cản trở giao thông.

Cũng theo đánh giá của đại diện Tổng cục ĐBVN, hiện việc kết nối giữa đường bộ và đường thủy vẫn còn rất khó, đặc biệt trong vấn đề xếp dỡ hàng hóa. Có nhiều cảng biển hiện không có cổng lớn để bốc dỡ hàng, buộc doanh nghiệp phải chọn đường bộ để vận chuyển. Ngoài ra, những thiết bị xếp dỡ của giao thông đường thủy còn hạn chế nên cần đầu tư hơn nữa.

Đồng quan điểm, đại diện Tổng cục Hàng hải Việt Nam cho rằng để gỡ nút thắt hạ tầng, phát triển giao thông đường thủy, cần có sự gắn kết giữa hàng hải với đường thủy nội địa, với đường bộ, đường sắt. Tuy nhiên, vấn đề gắn kết hiện nay còn hạn chế.

“Để vấn đề gắn kết được tốt, vấn đề mấu chốt là cần đầu tư cho cơ sở hạ tầng. Khó khăn hiện nay là việc kêu gọi vấn đầu tư, nên cách tốt nhất vẫn là tận dụng cơ sở vật chất hiện có, nâng cấp lên để từng bước tháo gỡ khó khăn” - đại diện Tổng cục Hàng hải Việt Nam chia sẻ.

Ngoài ra, về vấn đề kiểm soát trọng tải, theo đại diện Tổng cục Hàng hải Việt Nam, để thực hiện hiệu quả cần làm tốt cả một dây chuyền, có sự phối hợp của địa phương và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị./.

Tại cuộc tọa đàm, ông Hoàng Hồng Giang, Cục trưởng Cục Đường thủy nội địa (Bộ Giao thông - Vận tải), cho biết có khoảng hơn 1/2 số cầu đường sắt, đường bộ, cầu dân sinh bắc qua các tuyến đường thủy quốc gia hiện không đủ tĩnh không hoặc cầu cũ, cầu yếu có thể gãy sập bất cứ lúc nào khi các phương tiện thủy nội địa đi qua. Bên cạnh đó, hệ thống báo hiệu trên các tuyến chưa đủ về số lượng, tính năng, chức năng để đảm bảo an toàn cho tàu thuyền, dẫn đến năng lực chuyên chở vận tải của phương tiện giảm. 

Tại hội nghị toàn quốc về logistics vừa diễn ra, Bộ GTVT cho biết, từ nay đến năm 2020 sẽ nâng tỷ trọng vận tải thủy nội địa từ hơn 17% hiện nay lên hơn 32%. Tuy nhiên, với thực trạng như các doanh nghiệp nêu ra, nếu các cơ quan quản lý không khẩn trương tháo gỡ, e rằng mục tiêu của Bộ GTVT khó thành hiện thực.