Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp khiến nhiều doanh nghiệp (DN) gặp khó khăn. Trong bối cảnh đó, ngành gỗ tỉnh Bình Định vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng khá, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm nay đạt hơn 350 triệu USD, tăng 25,1% so với cùng kỳ và đạt gần 56% so với kế hoạch năm nay. Đến nay, hầu hết các DN của tỉnh Bình Định đã ký đơn hàng đến hết quý III.

Từ khi ghi nhận ca mắc Covid-19 đến nay, các DN ở tỉnh Bình Định nói chung và DN ngành gỗ nói riêng đã chủ động nâng cấp độ phòng, chống dịch bệnh. Công ty TNHH Hoàng Phát ở Khu Công nghiệp Phú Tài, thành phố Quy Nhơn vẫn duy trì sản xuất. 6 tháng qua, kim ngạch xuất khẩu của Công ty đạt gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp, để không bị đứt gãy sản xuất, công ty thực hiện nghiêm việc giãn cách, hạn chế tiếp xúc trực tiếp với khách hàng và tăng cường kỷ luật đối với người lao động.

Công ty chủ động giao dịch trực tuyến, làm việc thông qua người đại diện tại địa phương. Đối với người lao động, hàng ngày vào xưởng làm việc phải thực hiện nghiêm nguyên tắc “5K”.

Ông Võ Trọng Long, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Phát cho biết, công ty tăng cường các biện pháp giám sát lái xe thường xuyên ra vào, yêu cầu công nhân hạn chế đi đến các nơi công cộng trong thời gian dịch bệnh phức tạp hiện nay.

“Trước người lao động vào làm việc, công ty cho khử khuẩn, sát khuẩn bằng tay ở ngay ngoài cổng trước khi vào trong khu sản xuất. Các công nhân cũng được thông báo khi về nhà ít tụ tập đông người... tránh tình trạng người lao động các địa phương có dịch lây lan, ảnh hưởng đến sản xuất”, ông Long cho biết.

Trong 6 tháng qua, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, ngành gỗ tỉnh Bình Định vẫn duy trì tốt các hoạt động sản xuất, kinh doanh.        

Ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Bình Định cho biết, Hiệp hội yêu cầu các thành viên thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch Covid-19, hạn chế tiếp xúc gần, làm việc, thương thảo hợp đồng thông qua phương thức trực tuyến. Theo ông Lê Minh Thiện, chính sự chủ động chia sẻ, tháo gỡ khó khăn từ ngân hàng, bảo hiểm xã hội và các cơ quan chức năng đã giúp ngành gỗ duy trì đà tăng trưởng.

“Qua thông tin của Sở Công Thương, UBND tỉnh cũng như các cấp ngành có nhiều quyết sách để tháo gỡ khó khăn của ngành gỗ. Ví dụ UBND tỉnh đã triệu tập các ngân hàng thương mại tập trung tháo gỡ. Tỉnh cũng yêu cầu bảo hiểm xã hội, Sở LĐTB&XH cũng tập trung tháo gỡ cho lao động ngành gỗ, là chỗ dựa để nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành gỗ hiện nay”, ông Thiện cho hay.

Hiện nay, sản phẩm đồ gỗ tỉnh Bình Định đã xuất khẩu sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, chủ yếu là thị trường châu Âu. Các DN gỗ Bình Định đã ký hợp đồng sản xuất, gia công cho đối tác đến hết quý III năm nay, một số DN ký đơn hàng cả năm, nổi bật là các đơn hàng từ thị trường Mỹ.

Ông Ngô Văn Tổng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Định cho biết, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại các thị trường tiềm năng và thị trường mới. Tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm tuyên truyền, phổ biến các hiệp định FTA, đặc biệt là hiệp định CPTTP và hiệp định EVFTA cho các doanh nghiệp. Dự báo, cảnh báo đối với các biện pháp phòng vệ thương mại áp dụng lên hàng hóa xuất khẩu của tỉnh để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Theo ước tính của Hiệp hội Gỗ và lâm sản, hiện chỉ còn khoảng 7% doanh nghiệp ngành gỗ hoạt động bình thường, hơn 90% doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động hoặc phải luân chuyển lao động sang công việc khác. Thị trường xuất khẩu đóng băng, các đơn hàng bị hủy hoặc chậm, làm tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu phải thu hẹp quy mô sản xuất./.