Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô, đang được cơ quan soạn thảo là Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) lấy ý kiến để hoàn thiện.

Điều kiện thuê và cho thuê phương tiện khó khăn

Góp ý về điều kiện chung trong kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, tại Điểm a Khoản 2 Điều 13 Dự thảo yêu cầu phải có đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh của đơn vị là yêu cầu rất mơ hồ, có nguy cơ cao tạo ra cơ hội nhũng nhiễu từ các cơ quan, cán bộ thực thi.

130321_van_tai_vdfs.jpg
Một số điều kiện trong kinh doanh vận tải bằng ô tô gây khó khăn cho doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)
VCCI phân tích, yêu cầu này không rõ thế nào là đủ số lượng phương tiện theo phương án kinh doanh. Quan trọng hơn là phương án kinh doanh sẽ được tính tại thời điểm nào, thời điểm cấp phép hay trong quá trình hoạt động?

Dự thảo cũng yêu cầu, phương tiện phải thuộc quyền sở hữu của đơn vị kinh doanh vận tải, hoặc có hợp đồng thuê phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức cho thuê tài chính hoặc tổ chức, cá nhân có chức năng cho thuê tài sản theo quy định của pháp luật.

VCCI cho rằng, quy định này đồng nghĩa với việc đơn vị kinh doanh vận tải không được quyền thuê phương tiện của các tổ chức, cá nhân không phải là tổ chức cho thuê tài chính hoặc không có chức năng cho thuê tài sản.

Trong khi hiện nay, ngoại trừ tổ chức cho thuê tài chính được cấp phép theo quy định của pháp luật để thực hiện hoạt động này, các đối tượng khác đều không có chức năng cho thuê tài sản trong đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2014.

“Điều này ngoài hệ quả làm hạn chế thị trường thuê xe của đơn vị kinh doanh vận tải, còn dẫn tới việc hạn chế quyền hợp pháp của các chủ sở hữu phương tiện vận tải bất kỳ. Từ đó dẫn tới mâu thuẫn với quy định của pháp luật dân sự, khi giao dịch cho thuê phương tiện giữa chủ sở hữu phương tiện với doanh nghiệp vận tải là giao dịch hợp pháp được pháp luật dân sự ghi nhận”, VCCI phân tích.

VCCI cũng lưu ý, những yêu cầu này đặt ra vấn đề rất lớn về mặt thị trường cạnh tranh và quyền sở hữu. Việc hạn chế thị trường và hạn chế quyền sở hữu cần hết sức thận trọng, đòi hỏi những giải trình rõ ràng và có căn cứ về mục tiêu chính sách của quy định.

“Nếu chỉ là mục tiêu bảo đảm quyền sử dụng hợp pháp phương tiện vận tải của đơn vị kinh doanh vận tải, sẽ không đủ để giải thích cho một quy định can thiệp vào quyền tài sản, quyền thị trường cơ bản. Ban soạn thảo cân nhắc, xem xét bỏ quy định về những điều kiện này”, VCCI đề nghị.

Nguy cơ cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo 

Một trong những ý kiến đóng góp của VCCI cũng đề cập đến Khoản 5 Điều 40 Dự thảo quy định, UBNS cấp tỉnh “quy hoạch các loại phương tiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn” và cho rằng, Nghị định đã trao toàn bộ quyền quy hoạch về phương tiện và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ cho cấp tỉnh, nhưng không có bất kỳ ràng buộc nào nên có thể là một rủi ro lớn về mặt pháp luật và thực tiễn nên rất cần được chú ý xem xét.

Bởi lẽ, về mặt pháp luật, việc Nghị định quy định giao thẩm quyền quy hoạch các loại phương tiện kinh doanh vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ trên địa bàn cho cơ quan địa phương là phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ. Nhưng việc ủy quyền không kèm theo bất kỳ tiêu chí ràng buộc nào sẽ cần phải xem xét kỹ, phù hợp với định hướng của Luật Quy hoạch hiện đang được các cơ quan có thẩm quyền dự thảo.

Theo VCCI, về mặt thực tiễn, thực tế quy hoạch các phương tiện vận tải đường bộ ở địa phương đang có nhiều bất cập. Các địa phương đang quy định quy hoạch phương tiện theo hướng áp đặt tổng số phương tiện được phép kinh doanh vận tải trên địa bàn. Do đó, nếu trên địa bàn đã có đủ số lượng xe ô tô vận tải theo quy hoạch sẽ không có doanh nghiệp mới được cấp phép, các doanh nghiệp mới sẽ không được gia nhập thị trường và thị trường vận tải ô tô sẽ chỉ là “sân chơi” của một số doanh nghiệp đã được cấp phép.

Điều này sẽ dẫn tới tình trạng, các doanh nghiệp sẽ xin cấp giấy phép tại các địa phương khác và đưa phương tiện vận tải vào địa phương không được cấp phép vì pháp luật không có quy định cấm về sự luân chuyển này. Các doanh nghiệp đã được cấp phép cũng không thể tăng số lượng xe nếu muốn phát triển, mở rộng hoạt động kinh doanh.

“Quy định này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp đáp ứng các điều kiện để được cấp giấy phép kinh doanh vận tải hành khách sẽ không được cấp phép, trong khi vận tải bằng ô tô không phải là ngành nghề hạn chế kinh doanh. Chính điều này khiến cho các quy định về điều kiện kinh doanh bằng xe ô tô ít ý nghĩa và thiếu tính khả thi”, VCCI lý giải.

Hơn nữa, theo VCCI, giải pháp áp đặt về tổng số lượng xe ô tô được hoạt động trong một địa bàn hoàn toàn không thích hợp và hiệu quả, nhằm đạt được mục tiêu giảm tải tình trạng ách tắc giao thông hiện nay, nhất là khi hạ tầng giao thông chưa thể đáp ứng nhu cầu. Quy hoạch về tổng số lượng xe vận tải theo hợp đồng, du lịch hay hàng hóa với mục đích phù hợp với cơ sở hạ tầng tại địa phương là không phù hợp.

Đặc biệt, việc hạn chế số lượng chủ thể kinh doanh có thể dẫn tới các hệ quả cạnh tranh trên thị trường bị bóp méo nghiêm trọng, gây thiệt hại cho người tiêu dùng trong khi Nhà nước không thể can thiệp xử lý bằng biện pháp hành chính.

Với những phân tích trên, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định này theo hướng nêu rõ các các nội dung quy hoạch mà cấp tỉnh được thực hiện. Đồng thời quy định rõ các tiêu chí ràng buộc về nội dung và cách thức quy hoạch của UBND cấp tỉnh, trong đó có tính đến các hạn chế, bất cập và tồn tại trong thời gian qua./.