Con hẻm 1047/28, Tỉnh lộ 43, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM lỗ chỗ ổ gà, nhiều vũng nước đọng đen ngòm. Trong hẻm có 10 phòng trọ chia làm 2 dãy song song, ở giữa là hành lang rộng chỉ khoảng 2 mét, vừa đủ để 2 chiếc xe máy ra vào tránh nhau. Mái nhà lợp tôn nên những ngày nắng gắt, cảm giác nóng bức, ngột ngạt trở thành nỗi ám ảnh của cư dân xóm trọ này. Ngay cạnh đó là một ao nước tù, khi có đợt gió về tưởng chừng như mang chút mát mẻ cho khu trọ này thì lại mang theo mùi hôi khó chịu.

Vợ chồng chị Bùi Thị Thủy, quê ở Phan Thiết vào TP HCM làm công nhân cho một công ty da giày. Hai vợ chồng chị thuê một phòng rộng khoảng 14 mét vuông với giá 1,1 triệu đồng/tháng. Chỉ 14 mét vuông nhưng có đủ “phòng chức năng” của một căn nhà đúng nghĩa gồm chỗ ngủ, phòng vệ sinh, bếp... Chiều tăng ca về muộn, trên kệ bếp nhỏ vẫn còn vài khúc om từ hôm trước, đó là món chính cho bữa tối của hai vợ chồng, thêm mớ rau, quả trứng chiên cho qua bữa rồi nghỉ ngơi mai lại tiếp tục đi làm.

“Hai vợ chồng thuê trọ đi làm lương mỗi được khoảng 10 triệu, nếu làm tăng ca sẽ nhiều hơn. Hai vợ chồng cố làm thêm để sau sinh con có điều kiện nuôi nấng. Nếu sau đây có kiểu nhà ở bán cho công nhân cũng không biết có mua được hay không, không biết giá bán ra sao?”, chị Thủy bày tỏ.

images695689_7_cong_nhan_1_tnvp.jpg
Dãy nhà trọ công nhân ở phường Long Bình, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: Báo Đồng Nai)
Một địa phương khác cũng “nổi tiếng” với số lượng lớn nhà trọ công nhân là TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai. Vào khoảng 5 giờ chiều, khu nhà trọ gần trăm căn phòng ở khu phố 1, phường Long Bình chật ních người. Trời chưa tắt nắng, nhưng hành lang trong dãy trọ đã mờ tối bởi ánh sáng lọt qua những lá tôn nhựa trên mái đã bị chặn lại bởi những dây áo quần phơi kín mít trước các phòng. Long Bình là phường có số lượng công nhân lao động tập trung sinh sống trong các khu nhà trọ đông bậc nhất của TP Biên Hòa.

Cũ kỹ, chật chội và ẩm thấp là điểm chung của các khu nhà trọ nơi đây, những dãy nhà đã được xây dựng hàng chục năm có lẻ. Khi Biên Hòa có nhiều nhà máy, khu công nghiệp mọc lên, thì số lượng nhà trọ cũng nở rộ như nấm sau mưa…

Tùy theo chiều sâu của thửa đất mà những khu nhà trọ có từ vài cho tới vài chục căn phòng, cá biệt có dãy trọ lên tới hàng trăm căn, mỗi căn diện tích chỉ vỏn vẹn hơn chục mét vuông nhưng lại là nơi ăn chốn ở của 1 gia đình công nhân. Cũng không hiếm gặp những gia đình nhiều thế hệ với con, cháu được sinh ra, lớn lên rồi trưởng thành nơi phòng trọ nhỏ bé.

Xuyên qua cả một dãy trọ dài với những chiếc xe máy dựng ngổn ngang, ở cuối dãy là phòng trọ của gia đình bà Trần Ngọc Hằng. Rời quê Trà Vinh lên Biên Hòa, hai vợ chồng bà trải qua đời công nhân ở nhiều công ty, nhà máy. 15 năm qua, 2 vợ chồng bà sống gắn bó với phòng trọ. Lúc rời quê 3 đứa con còn nhỏ, bây giờ 2 người con trai đã trưởng thành, tiếp tục làm công nhân trong nhà máy ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Lần lượt những người con đã lập gia đình, sinh con đẻ cái; bà Hằng giờ đã là bà nội của 2 đứa cháu, nhưng cả gia đình lớn nhỏ vẫn ở trọ.

Thành viên gia đình ngày một đông, gia đình bà Hằng thuê thêm 1 căn phòng đối diện cho rộng rãi. 2 căn phòng hơn 2 chục mét vuông, một gia đình 9 người – 3 thế hệ -  “tam đại đồng đường” cùng sinh sống. Bà Hằng chia sẻ, nỗi mong ước lớn nhất của cả 2 vợ chồng là có một nơi ở tử tế cho con, cho cháu sau này. Đời ông bà đã khổ, không muốn đến đời con, đời cháu vẫn lủi thủi sống kiếp tạm bợ, nhưng mơ ước thì vẫn chỉ là mơ ước.

“Tôi lo lắng lắm! Giờ mình có cháu nội, cháu ngoại rồi nhưng mấy thế hệ vẫn ở thuê nhà trọ chật hẹp vô cùng bất tiện. Nếu có điều kiện thuê nhà khác rộng hơn nhưng với thu nhập hiện tại cũng khó cho phép làm đươc điều đó”, bà Hằng chia sẻ.

So với bà Hằng, câu chuyện của ông Nguyễn Văn An ở Bình Dương còn đáng buồn hơn. Năm 1997, ông rời quê vào làm việc cho một công ty tư nhân. Tính đến ngày về hưu, hai vợ chồng già với đứa con tật nguyền sống trong căn nhà trọ suốt 20 năm tối tăm, chât hẹp. Ông bà cũng đã nhiều lần mơ về một mái nhà riêng nhưng vài trăm triệu đồng là quá lớn so với khả năng của họ.

"Nhà ở ổn định không ai là không muốn, nhưng với điều kiện như hiện nay đó vẫn chỉ là ước muốn. Ước mong làm sao có cái nhà khoảng 50 mét vuông, lớn gấp đôi cái phòng trọ này cũng rất là tốt rồi”, ông An tâm sự.

Những gia đình vừa được nhắc đến chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh đời sống công nhân nơi nhà trọ, còn nhiều mảng tối hiện nay ở các đô thị lớn trong khu vực Đông Nam bộ.

Việc đa phần công nhân vẫn phải sinh sống trong các khu trọ tạm bợ, thiếu thốn nhiều điều kiện sinh hoạt đã và đang tiếp tục mang đến những hệ lụy cho cả người công nhân và cả cho xã hội. Nhiều khu nhà trọ phức tạp về an ninh trật tự, tệ nạn xã hội; việc giáo dục, học hành của con em công nhân không đảm bảo, đặc biệt là vấn đề chăm sóc y tế, phòng chống dịch bệnh, bằng chứng là nhiều dịch bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, thủy đậu, tiêu chảy cấp... khởi phát từ các khu nhà trọ, tạo thành ổ dịch và lây lan nhanh chóng.

Ông Tăng Quốc Lập, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Đồng Nai nhận đinh, những năm qua, mặc dù địa các phương trong khu vực, trong đó có Đồng Nai đã có nhiều nỗ lực để cải thiện đời sống công nhân lao động, nhưng thực trạng đời sống công nhân trong các khu nhà trọ vẫn còn nhiều điều phải bàn.

“Các khu nhà trọ hiện nay chất lượng trên địa bàn chấn lượng rất kém. Bên cạnh đó tư tưởng, điều kiện hoàn cảnh của người lao động còn vô cùng khó khăn, nhiều gia đình vẫn phải chấp nhận sống trong cảnh chật hẹp, thiếu thốn”, ông Lập cho biết.

Theo thống kê chưa đầy đủ, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương hiện có khoảng hơn 2,5 triệu công nhân lao động nhập cư đang sinh sống và làm việc. Đa số họ sống trong những khu nhà trọ mà chúng tôi vừa nhắc tới với quá nhiều điều bất lợi. 

Những khó khăn của công nhân sống ở nhà trọ không phải bây giờ mới có. Nhưng điều đáng nói là chính quyền địa phương, các bộ, ngành đều biết rõ điều này và đã cố gắng cải thiện điều kiện sống cho công nhân. Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM cũng đã xây dựng nhà ở dành cho người thu nhập thấp, nhà ở xã hội, nhà cho công nhân; quy hoạch nhà ở cho công nhân với nhiều ưu đãi. Tuy nhiên có một nghịch lý là, nhu cầu nhà ở của công nhân thì cao, quy hoạch của các địa phương cũng nhiều, nhưng nhà cung cấp cho người lao động có thu nhập thấp lại chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế./.

Bài tiếp theo:  Nhà ở công nhân - quy hoạchnhiều, làm nhỏ giọt