Theo thống kê hiện nay, cả nước có khoảng 4 triệu công nhân đang làm việc tại hơn 300 khu công nghiệp. Dự báo, con số này sẽ còn tăng nhanh theo sự tăng trưởng và phát triển của kinh tế.

Hiện nay, đời sống công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất còn nhiều khó khăn. Họ đa phần là những người trẻ tuổi, chưa lập gia đình. Có ý kiến nhận xét rằng, nhiều người trong số họ trong tình trạng "5 không", đó là: không nhà cửa, không gia đình, không tình yêu, không vui chơi giải trí, không thể dục thể thao.

cong_nhan_da_sua_zgxk.jpg
(Ảnh:  minh họa)

Bà Trần Kim Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP HCM cho biết, đa số công nhân đều ở các tỉnh, thành phố khác tới làm việc tại các khu công nghiệp phần lớn phải thuê nhà trọ với chất lượng không đảm bảo. Nhà văn hóa cho công nhân chiếm tỷ lệ thấp và không thu hút được công nhân đến sinh hoạt.

“Ngoài 8 tiếng làm việc theo luật lao động, người lao động còn làm thêm giờ để tăng thu nhập, không có thời gian dành cho các hoạt động văn hóa cũng như các dịch vụ thiết yếu tối thiểu”- bà Yến nói.

Bên cạnh những khó khăn về vật chất, những khó khăn về văn hóa, tinh thần của công nhân và người lao động ở những khu công nghiệp hiện nay rất đáng lo ngại. Mức độ thụ hưởng về văn hóa của công nhân còn quá hạn chế.

Nguyên nhân là do chính quyền địa phương trước đây khi quy hoạch các khu công nghiệp không tính đầy đủ đến các thiết chế văn hóa, thể thao dành cho đối tượng này. Hiện, cả nước chỉ có 3 nhà văn hóa công nhân ở khu công nghiệp tại Vĩnh Phúc, Hà Nam và Bình Dương, nhưng cũng chưa thực sự thu hút công nhân đến tham gia.

Theo ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, cùng với việc xây nhà ở cho công nhân, cần chăm lo tới lợi ích tinh thần, chính trị cho đoàn viên công đoàn, tổ chức các hoạt động tập thể theo hướng thiết thực.

Theo ông Cường, hiện Chính phủ đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Tuy nhiên, cơ chế chính sách, sự hỗ trợ để các lực lượng khác tham gia còn ít.

“Chúng tôi cũng đề xuất nên có những cơ chế, chính sách sao cho thu hút được những lực lượng khác, nhất là các doanh nghiệp để xây dựng nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp để góp phần vào giải quyết những mong muốn rất chính đáng của công nhân”- ông Bùi Văn Cường- Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết.

Ông Triệu Thế Hùng, Hàm Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho rằng, Chính phủ cần rà soát chính sách hợp lý để tăng cường mạnh mẽ, hiệu quả hơn hoạt động của tổ chức công đoàn và cơ sở, đảm bảo công đoàn tại các khu công nghiệp đủ mạnh để thực sự là tổ chức đại diện và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho công nhân.

“Điều quan trọng là phải tăng mức lương tối thiểu vùng đủ để đảm bảo mức sống tối thiểu của công nhân. Khi lương và thu nhập đủ sống, công nhân mới nghĩ đến việc thụ hưởng văn hóa, giải trí để tái tạo sức lao động, khi mà chất lượng cuộc sống và văn hóa tinh thần đủ đối với công nhân, thì hiệu quả lao động sẽ tăng cao hơn, công nhân sẽ toàn tâm, toàn ý phục vụ lợi ích của doanh nghiệp và xã hội, điều này có lợi cho cả người lao động và người sử dụng lao động”- ông Triệu Thế Hùng cho biết.

Cũng theo ông Hùng, nhà nước cần có những quy định cụ thể, mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, ngành, nhất là chủ sử dụng lao động về quyền và lợi ích của công nhân. Họ có quyền có thời gian tham gia hoạt động về văn hóa, thể dục và thể thao, được quyền tiếp cận thông tin giải trí và tổ chức sinh hoạt văn hóa, văn nghệ nhằm thỏa mãn nhu cầu giải trí và hoạt động xã hội. Các quyền này phải được quy định cụ thể, bảo đảm thực hiện đầy đủ trên thực tế, có sự kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành./.