Các chuyên gia kinh tế đưa ra khuyến cáo đối với người mua để tránh tình trạng mua đất không đúng với giá trị thật.
Nguy cơ "bong bóng" bất động sản!
Ngay khi TP.Thủ Đức được thành lập, lập tức giá nhà đất ở đây được đẩy lên cao ngất, nhất là khu vực gần trung tâm hành chính của thành phố này. Theo giới cò đất thì giá đất ở khu vực phường Thạnh Mỹ Lợi (quận 2 cũ) được giao dịch ở mức 140 triệu đồng đến hơn 350 triệu đồng tùy vị trí, tăng từ 40-60 triệu đồng/m2 so với trước đây.
Giới kinh doanh bất động sản cho rằng, giá đất sẽ tiếp tục tăng cao bởi ở TP.Thủ Đức quỹ đất không còn nhiều và nhất là trong tương lai TP. Thủ Đức sẽ là trung tâm kết nối giao thông, trung tâm khoa học công nghệ và là trung tâm tài chính của khu vực phía Nam.
Lợi dụng tâm lý này, cò đất liên tục đẩy giá đất tăng cao gấp 2 đến 3 lần so với trước. Cụ thể như: đất ở cách xa tuyến đường Đỗ Xuân Hợp (quận 9 cũ) trước đây khoảng 20-30 triệu đồng/m2 này thì nay được định giá 40-50 triệu đồng/m2. Dự án Khu dân cư Sở Văn hóa Thông tin ở đường Liên Phường, Quận 9 cũ cũng được đưa lên giá 70 triệu đồng/m2, trong khi cách đây 2-3 tháng giá chỉ gần 40 triệu đồng/m2.
Bà Lê Thị Phúc làm nghề môi giới nhà đất cho biết: “Dự án này giá đã tăng 1 nhịp rồi, còn hiện nay giá tăng tiếp từ 60-70 triệu đồng/m2 là có tình trạng “đẩy giá”. Người mua “lướt sóng” mua đi, bán lại lấy chênh lệnh, không biết người nào sẽ mua cuối cùng, nhưng giá nó đã đạt mức tăng cao so với giá thị trường. Hiện tại, dự án này cơ sở hạ tầng chưa có gì, nhà xây chưa xây nhiều, giá này là tăng ảo”.
Việc giá tăng giá ảo khiến không ít người dân quyết định giữ đất chờ giá tăng kịch trần mới bán. Chị Hồ Thị Thư có lô đất hơn 200m 2 ở Dự án Khu 10 mẫu, đường Nguyễn Duy Trinh đang được định giá 80 triệu đồng/m2, trong khi trước đó vài tháng giá chỉ có 50-60 triệu đồng/m2. Lô đất này chị Thư mua năm 2010 với giá gần 30 triệu đồng/m2 nếu bây giờ chị bán sẽ lãi khoảng 10 tỷ đồng, nhưng chị quyết giữ lại vì cho rằng giá đất sẽ còn tiếp tục tăng cao.
“Trước mắt tôi không bán, tình hình này giá đất ở đây tiếp tục tăng, khi nào cần tiền lắm thì tôi mới bán, vì đường sá ở đây cũng tốt. Nếu tôi có tiền nữa thì sẽ đầu tư mua đất tiếp ở TP. Thủ Đức, vì tôi nghĩ tương lai TP. Thủ Đức rất phát triển, mai mốt nhà nước xây dựng hạ tầng ở đây hoàn thiện thì giá nhà đất sẽ tăng rất cao” - chị Thư nói.
Thận trọng khi bỏ tiền mua đất ở Thủ Đức
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, giá đất khu vực này hiện nay đã tăng so với đỉnh điểm của năm 2007 hơn 360%. Việc giao dịch trao tay khiến giá đất ở TP. Thủ Đức bị đẩy giá lên cao so với thực tế, nguy cơ tạo nên “bong bóng” bất động sản ở khu vực này.
Chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân khuyến cáo người mua cần thận trọng xem xét kĩ các yếu tố pháp lý, vị trí lô đất, dự án và các tiện ích khu vực xung quanh: “Một số khách hàng không nắm bắt được giá thị trường. Chính vì vậy dễ tạo nên “bong bóng”, tạo nên giá trị không thật. Khách hàng phải thận trọng xem xét ở nhiều góc độ khác nhau, vì có những lô đất, có những dự án hạ tầng chưa hoàn thiện, kết nối hạ tầng chưa đầy đủ nhưng giá vẫn bị đẩy cao. Năm 2021, giá đất ở khu vực này vẫn sẽ tiếp tục tăng nhưng không tăng nhiều lần như nhà đầu tư, môi giới đang thổi lên”.
Một thực tế hiện nay là giá đất thường tăng cao theo quy hoạch đô thị, tăng theo chính sách phát triển kinh tế của từng khu vực mà TP. Thủ Đức là một điển hình. Các giao dịch thực tế thường cao hơn gấp nhiều lần so với giá quy định của nhà nước. Chính vì vậy, sự điều chỉnh phù hợp và công khai minh bạch giá đất từng khu vực của Nhà nước có thể là biện pháp để tránh tình trạng giá đất ở TP. Thủ Đức tăng ảo, tránh được rủi ro trong mua bán đất khu vực này./.