Năm 2009, Bộ Xây dựng công bố Đồ án quy hoạch xây dựng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Qua 9 năm thực hiện, đồ án xuất hiện nhiều bất cập do nhiều yếu tố, nhất là sự biến đổi khí hậu, sự xâm nhập ngày càng phức tạp. Sau khi tiến hành đánh giá, rà soát và kiến nghị Chính phủ điều chỉnh đồ án phù hợp với điều kiện thực tế hiện tại của vùng, mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồ án điều chỉnh với mục tiêu chính: phát triển vùng theo hướng tăng trưởng xanh, bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu, có vai trò, vị thế quan trọng đối với quốc gia và khu vực Đông Nam Á. Đồ án có hướng phát triển cho từng địa phương trên tất cả các lĩnh vực, dựa trên không gian 3 tiểu vùng: ngập sâu, giữa đồng bằng và ven biển.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL có hướng phát triển cho từng địa phương trên tất cả các lĩnh vực (Ảnh minh họa: KT) |
Theo đó, trên cơ sở điều kiện địa hình tự nhiên, tính toán trữ nước ngọt tại vùng ngập sâu, hình thành các khu vực ngập nước theo mùa nhằm chủ động về nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần đẩy mặn, giảm ngập lụt tại vùng ngập nông và các đô thị tại tiểu vũng giữa đồng bằng. Tại khu vực ven biển, chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn, cần chuyển đổi sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, gắn với trồng rừng ngập mặn ven biển… Tại tỉnh lỵ của từng địa phương, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, hướng tới hình thành các trung tâm du lịch và dịch vụ cao cấp của quốc gia và khu vực Đông Nam Á.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bà Phan Thị Mỹ Linh cho biết: quy hoạch nghiên cứu trên quan điểm tôn trọng quy luật tự nhiên, phù hợp điều kiện thực tế, xác định biến đổi khí hậu và nước biển dâng là xu thế tất yếu, phải sống chung và thích nghi, biến thách thức thành cơ hội, lấy tài nguyên nước là yếu tố cốt lõi, là cơ sở cho hoạch định chính sách, chiến lược quy hoạch, phát triển vùng. Do vậy, đồ án điều chỉnh được đánh giá có chất lượng, nhiều đột phát trong chiến lược, mang lại giải pháp hiệu quả cho vùng ĐBSCL.
“Trong thời gian tới, song song việc triển khai tổ chức thực hiện quy hoạch vùng, chúng tôi đề nghị UBND các tỉnh tập trung triển khai rà soát, nghiên cứu, đánh giá, lập điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng tỉnh, khu chức năng đặc thù; kiểm soát, hình thành và phát triển các khu đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch để đảm bảo phù hợp với quy hoạch xây dựng được phê duyệt”, bà Phan Thị Mỹ Linh nhấn mạnh./.
8 nhiệm vụ phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long