Băn khoăn về thực trạng nền kinh tế còn nhiều khó khăn, ĐBQH Nguyễn Thị Thanh (Ninh Bình) đề nghị: Cần chú trọng chất lượng thực sự của tăng trưởng, làm chuyển biến thực sự mối quan hệ giữa chỉ số GDP với GNP, CPI, ICOR, tổng đầu tư xã hội và thị trường tài chính...  

Song song đó, cần quan tâm hướng dẫn các địa phương giải quyết các tồn tại, khó khăn trong quá trình thực hiện tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ nâu sang xanh.

 
nguyen_thi_thanh_mktm.jpgĐBQH Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: Quang Trung

Nhấn mạnh vai trò quan trọng của khoa học công nghệ đối với phát triển, bà Thanh cho biết, tại các nước phát triển họ đều đi lên từ khoa học công nghệ. Bởi đầu tư cho KHCN 1 đồng thì thu lợi 5-6 đồng. Do vậy, họ luôn ưu tiên ngân sách và cơ chế huy động đầu tư xã hội cho KHCN. Ở Việt Nam, những năm qua, Chính phủ đã quan tâm cho KHCN, đã dành 2% chi ngân sách cho lĩnh vực này, nhưng  đầu tư từ xã hội và doanh nghiệp ngoài nhà nước hầu như chưa có. Người dân và doanh nghiệp chưa dành quan tâm cho việc này, mặc dù Luật Doanh nghiệp quy định, doanh nghiệp trích 10% lợi nhuận trước thuế để đầu tư cho phát triển KHCN.

Bên cạnh đó, số lượng nhà khoa học, chuyên gia làm việc trong các doanh nghiệp chỉ chiếm 25‰ trong tổng số lao động làm việc trong khu vực doanh nghiệp. Khoảng 80-90% máy móc công nghệ sử dụng trong các doanh nghiệp ở Việt Nam là nhập khẩu, trong đó 76% nhập từ những năm 1980-1990; 75% máy móc thiết bị đã hết khấu hao.

Bà Thanh cho rằng, vì thế mà nước ta gần như chưa có sản phẩm nào mà thương hiệu của nó được thế giới biết đến; hầu như không có công bố quốc tế; mỗi năm chỉ có 1-2 sáng chế được đăng ký tại các quốc gia có uy tín trên thế giới. Đặc biệt, chỉ 7% người Việt được đánh giá là có phẩm chất sáng tạo.

Trên cơ sở đó, bà Thanh đề nghị phải đưa việc phát triển KHCN, trong đó có đầu tư cho KHCN và ứng dụng KHCN trong nước là một trong các chỉ tiêu kế hoạch phát triển KTXH hằng năm và 5 năm. Hằng năm, cần có quy định tỷ lệ vốn nhất định trong tổng đầu tư toàn xã hội cho lĩnh vực KHCN.

Về cơ chế quản lý đầu tư cho KHCN, bà Thanh đề nghị phải gắn với sản phẩm khoa học, doanh nghiệp, người lao động, sản xuất... Đặc biệt, đề tài sáng kiến phải được ứng dụng trong thực tiễn để các sản phẩm sau khi ra đời tham gia vào được các chuỗi toàn cầu, tránh hiện tượng đề tài khoa học chỉ cất trong tủ, gây lãng phí cho ngân sách nhà nước và lãng phí cho xã hội.

Bà Thanh còn kiến nghị, “đã đến lúc, khoa học công nghệ không chỉ nhìn nhận trong Nghị quyết của Đảng mà cần được hiện thực hóa trong đời sống xã hội”./.