Bộ Tài chính cho biết, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 9 tháng năm 2014 đạt hơn 636.000 tỉ đồng, tăng hơn 17% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến,thu ngân sách năm nay có khả năng vượt dự toán 9%. Mặc dù vậy, Bộ Tài chính cho biết, khoản vượt thu này sẽ bố trí cho những vấn đề cấp bách, nên khó bố trí được nguồn để tăng lương theo lộ trình.
Theo Bộ Tài chính, so với số thu ngân sách cùng kỳ của 2 năm gần đây thì kết quả thu ngân sách năm nay đạt khá. Trong đó, thu nội địa 9 tháng qua ước đạt gần 428.000 tỉ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, tổng chi ngân sách nhà nước 9 tháng ước 768.000 tỉ đồng, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù tình hình kinh tế có dấu hiệu khởi sắc và dự kiến thu ngân sách năm nay vượt 9% dự toán, song ngân sách vẫn không đủ nguồn để tăng lương năm 2015.
Trong khi đó, các địa phương đã tính trong dự toán của năm trước. Do đó, để đảm bảo cân đối của các địa phương này thì phải dành một phần để bù hụt thu. Một phần khác dành bổ sung kinh phí thực hiện các chính sách an sinh xã hội mà dự toán đầu năm chưa bố trí được, như: hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo, hộ chính sách; kinh phí thực hiện pháp lệnh Bà mẹ Việt Nam anh hùng; kinh phí hỗ trợ quản lý đất lúa; hỗ trợ người có công, người nghèo xây dựng nhà ở tránh bão lũ ở miền Trung…
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, một phần vượt thu cũng được bố trí để tăng chi trả nợ. Dự báo nợ công của Việt Nam tính đến hết năm 2015 có thể đạt 64%GDP, rất gần ngưỡng an toàn là 65% GDP. Do đó, một phần vượt thu ngân sách phải bố trí trả nợ góp phần lành mạnh ngân sách.
“Nợ công những năm gần đây có xu hướng gia tăng. Do đó, ngân sách hàng năm vẫn phải bố trí chi trả nợ. Dự toán những năm gần đây hết sức khó khăn. Giờ đây nếu có vượt thu được so với dự toán thì cũng phải dành một phần tăng chi trả nợ để góp phần làm lành mạnh tình hình nợ công và ngân sách. Một phần nữa sẽ để xử lý nợ hoàn thuế giá trị gia tăng, từ trước đến nay chưa xử lý hết các khoản nợ khoản thuế giá trị gia tăng mà chúng ta vẫn thực hiện tạm ứng. Ngoài ra còn nhiều khoản cấp bách phải tạm ứng trong năm. Đó là những nhu cầu hết sức cấp bách. Mặc dù là vượt thu, phần vượt này chưa đủ trang trải, nhưng cũng góp phần cân đối ngân sách tốt hơn”, bà Mai lý giải./.