Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, tăng trưởng cao ở quý I/2018 nhờ một phần ở giá trị GDP của năm trước không cao. Sự tăng trưởng của quý I tập trung vào chế biến, chế tạo nhưng chủ yếu do đóng góp của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Phát biểu trong phiên thảo luận tại tổ ngày 22/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Nếu tăng trưởng chỉ dựa vào một vài doanh nghiệp thì nền kinh tế dễ gặp rủi ro.

kim_ngan_dspp.jpg
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (Ảnh: PLO)

Trụ cột tăng trưởng chưa vững

Các số liệu của Chính phủ cho thấy trụ cột tăng trưởng chưa thực sự bền vững, tập trung vào một số ngành, một số doanh nghiệp có số thu ngân sách lớn, sản phẩm xuất khẩu cao, đóng góp cho tăng trưởng nhiều. Điều đó chưa làm nên tính bền vững của cả một nền kinh tế, bà Ngân nêu rõ.

Năm 2017, các doanh nghiệp FDI đóng góp 72% giá trị xuất khẩu. Chỉ riêng Samsung đã mang lại 53,3 tỷ USD chiếm gần 24,9% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. 4 tháng đầu năm 2018, các doanh nghiệp  FDI xuất siêu hơn 11 tỷ USD, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu khoảng 8 tỷ USD, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn chứng.

Theo đánh giá của Chủ tịch Quốc hội, tính kết nối công nghiệp chế tạo chế biến có đóng góp nhiều nhưng cũng chỉ dừng lại ở khâu gia công chứ chưa phải là công nghiệp cao thực sự. Tính kết nối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước thực sự chưa hiệu quả. Những doanh nghiệp lớn chưa tạo ra hiệu ứng lan tỏa và kết nối một chuỗi giá trị tạo liên kết với doanh nghiệp trong nước.

(ĐBQH Trần Hoàng Ngân
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) nhận định, 30 năm qua khu vực FDI đạt kết quả nhất định, chiếm 25% tổng vốn đầu tư, 72% kim ngạch xuất khẩu. Đây là yếu tố cần chú ý bởi chỉ cần có sự chuyển hướng, rút vốn sẽ tác động tới kinh tế Việt Nam.

Mỹ có thể tiếp tục tăng lãi suất, nên sẽ ảnh hưởng tới dòng chảy tiền tệ thế giới và ảnh hưởng tới Việt Nam. Chúng ta vẫn rất cần nguồn vốn này, vì thế phải có chiến lược thu hút FDI, ông Trần Hoàng Ngân lưu ý.

 

 

Không nên dễ dãi trong thu hút FDI

Đánh giá về khối doanh nghiệp FDI, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP HCM) nhấn mạnh: Sau 30 năm lực lượng ấy, con người ấy phải được chuyển thành "cơ thể" của chúng ta chứ không phải vẫn là "người xa lạ".

Đã có nhiều doanh nghiệp Việt phải chịu áp lực cạnh tranh lớn từ khối này, thậm chí họ buộc phải bán doanh nghiệp. Nhưng sau nhiều năm có mặt tại Việt Nam, khối FDI vẫn chưa trở thành một bộ phận hữu cơ của nền kinh tế, ông Nghĩa lo ngại.

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa 

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phân tích: FDI vào Việt Nam để tận dụng lao động giá rẻ, ưu đãi, đất đai, môi trường... Ưu đãi có nghĩa là ngân sách bị mất đi một khoản, giảm nguồn thu. Vậy đổi lại, Việt Nam được gì? Doanh nghiệp FDI tác động thế nào lên nền kinh tế?

Từ đó, ông Nghĩa kiến nghị, cần nhìn nhận và đưa ra chính sách khác đi đối với FDI, không thể hy sinh môi trường, không thể dễ dãi trong việc thu hút FDI.

Theo ĐBQH đoàn TP HCM, nguồn vốn FDI thời gian tới cần hướng đến tiêu chí xanh (thân thiện với môi trường), sạch (đảm bảo hoạt động minh bạch, chống chuyển giá), chất lượng (công nghệ cao), mang tính lan tỏa (chuyển giao công nghệ, kết nối với doanh nghiệp trong nước).../.