- Đồng Nai họp bàn về tuyến đường vận chuyển bauxite
- Lâm Đồng nâng cấp tỉnh lộ 725
- Hơn 4.466 tỷ đồng nâng cấp đường vận chuyển Bauxite
Sau hơn 4 tháng khởi công (từ ngày 23/12/2011), đến nay, Dự án cải tạo, sửa chữa tỉnh lộ 725 đoạn từ Nhà máy bauxite Tân Rai đến ngã ba Lộc Sơn thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng đã phải tạm dừng thi công. Trong khi dự kiến, cuối tháng 6/2012, sẽ có mẻ sản phẩm alumin đầu tiên.
Nhiều đoạn trên tỉnh lộ 725 bị hư hỏng, xuống cấp. (Ảnh: TNO) |
Phóng viên VOV online phỏng vấn ông Trương Hữu Hiệp – Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng - chủ đầu tư Dự án này:
PV: Ông có thể cho biết tại sao Dự án cải tạo, sửa chữa tỉnh lộ 725 phục vụ vận chuyển bauxite lại bị dừng lại, trong khi Nhà máy bauxite Tân Rai đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành?
Ông Trương Hữu Hiệp: Dự án này được Chính phủ giao cho Bộ GTVT và tỉnh Lâm Đồng triển khai để đáp ứng vận chuyển bauxite trong thời gian tới. Được khởi công từ ngày 23/12/2011 cùng với QL 20 đoạn từ Dầu Giây - Đồng Nai lên tới Bảo Lộc, Lâm Đồng, nhưng phải đến giữa tháng 2/2012 mới bắt đầu khởi động được sau hàng loạt thủ tục làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin).
Cho đến thời điểm hiện nay, Vinacomin vẫn chưa có phương án hỗ trợ vốn cho dự án này theo như chỉ đạo của Chính phủ. Hiện nay Vinacomin kêu khó khăn là chưa xác định được hạch toán nguồn vốn hỗ trợ này vào công tác quản lý tài chính của Vinacomin.
Tỉnh Lâm Đồng cũng có văn bản báo cáo với Thủ tướng Chính phủ là đã triển khai khởi công, chấp hành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng và cam kết về vốn của Vinacomin nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có vốn.
Về tiến độ thi công, hiện nay đơn vị thầu (Công ty CP Xây lắp Dầu khí 1) đang thi công cầm chừng trong điều kiện rất khó khăn vì hiện tại họ đã tạm ứng để thi công và tập kết vật liệu khoảng hơn 15 tỷ đồng. Trong tình hình này, nếu không có nguồn vốn hỗ trợ thì họ khó tiếp tục triển khai thi công theo tiến độ.
PV:Nếu không cải tạo, nâng cấp kịp đồng bộ với dự án bauxite thì tuyến đường này sẽ ra sao thưa ông?
Ông Trương Hữu Hiệp: Trên thực tế, đoạn đường dài 18,5 km từ Nhà máy bauxite Tân Rai ra tới ngã ba Lộc Sơn của TP Bảo Lộc (giáp với QL20) chỉ đảm bảo cho nhu cầu dân sinh, kinh tế xã hội (quy mô theo tiêu chuẩn đường cấp 4 và đường đô thị cơ sở).
Nếu dùng con đường này để vận chuyển bauxite (xe 25 tấn trở lên) thì về mặt kết cấu chịu lực là không đảm bảo. Khả năng chịu lực của con đường này (trị số E – Mô đun đàn hồi của mặt đường) chỉ dao động ở khoảng 800 - 1.000, nhưng nếu vận chuyển bauxite thì phải trên 1.600, do vậy sẽ không chịu đựng được. Từ thực tế này, cần phải đầu tư nâng cấp toàn đoạn tuyến.
Lúc đầu, tỉnh Lâm Đồng kiến nghị là phải mở rộng và tăng tải trọng chịu đựng của con đường, nhưng phía Vinacomin và Bộ GTVT thống nhất là chỉ nâng tải trọng và không mở rộng. Đây cũng là một khó khăn cho việc vận chuyển sau này, vì khi xe vận chuyển alumin/bauxite đi sẽ choán hết đường đi của dân sinh. Các địa phương có dự án đi qua vẫn đang kiến nghị phải đầu tư mở rộng đường.
Nếu không cải tạo kịp mà cứ dùng tuyến đường này để vận chuyển, chỉ một thời gian ngắn đường sẽ hư hỏng. Ngay thời điểm hiện tại cũng đã có những đoạn đang xuống cấp rất nghiêm trọng, đặc biệt trong khoảng 4km từ Nhà máy bauxite ra tới thị trấn Lộc Thắng bị xuống cấp nghiêm trọng. Nếu cứ tiếp tục vận chuyển, đường hư hỏng nặng sẽ rất ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân.
PV:Số tiền để đầu tư nâng cấp đoạn đường 18,5km này là bao nhiêu và ai sẽ chịu kinh phí ngoài Vinacomin, thưa ông?
Ông Trương Hữu Hiệp:Theo tính toán ban đầu (chưa tính trượt giá), kinh phí đầu tư cho dự án này là gần 178 tỷ đồng. Nhưng vì hiện nay, nhân công và tiền lương công nhân được Chính phủ điều chỉnh nên kinh phí sẽ vượt con số này. Bình thường trong xây dựng cơ bản, tính theo thời điểm nghiệm thu thì kinh phí có thể sẽ vượt hơn con số 178 tỷ đồng.
Trong văn bản Chính phủ giao, Vinacomin phải hỗ trợ toàn bộ kinh phí này. Bộ GTVT, Vinacomin và 2 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng đã có thống nhất việc đầu tư các tỉnh lộ 725 và 769 của Đồng Nai và Lâm Đồng do Vinacomin hỗ trợ. Riêng tiền đầu tư quốc lộ 20 để vận chuyển alumin sẽ do nhà nước đầu tư. Theo kế hoạch của Chính phủ giao và căn cứ theo sự phân chia trách nhiệm, Vinacomin phải hỗ trợ 100% cho 2 dự án này mới đúng.
PV:Vậy thì vướng mắc ở khâu nào khi Vinacomin khẳng định đã chuẩn bị đủ tiền?
Ông Trương Hữu Hiệp:Vinacomin cho biết, họ chờ văn bản chính thức của Chính phủ mới chấp hành. Hiện nay, theo tôi biết thì vẫn chưa có văn bản của Chính phủ. Nhưng Bộ Tài chính có nói với địa phương rằng, có ra văn bản đề nghị Vinacomin hỗ trợ 100% đúng theo tinh thần văn bản trước đây.
Bộ Tài chính cũng đã có một văn bản đề nghị với Thủ tướng Chính phủ chấp thuận đưa kinh phí vào hạch toán sản xuất kinh doanh của tập đoàn chứ không đưa vào giá thành của alumin (vì ngay từ đầu trong dự án alumin là không có việc đầu tư hạ tầng).
PV:Nếu có tiền ngay bây giờ để triển khai nâng cấp, sửa chữa đoạn tuyến này thì sẽ mất thời gian bao lâu?
Ông Trương Hữu Hiệp: Vấn đề của dự án hiện nay là vướng cả hai: vốn và mặt bằng.
Nếu có kinh phí đầy đủ ngay từ đầu và việc triển khai không bị vướng vào thời tiết (mùa mưa ở Tây Nguyên từ tháng 6) thì có thể từ 6-9 tháng là hoàn tất, với điều kiện có đủ kinh phí theo tiến độ.
Thứ 2 là mặt bằng phải được giao sạch từ đầu. Nhưng hiện nay dự án đang vướng cả 2 phía: giải phóng mặt bằng phải có kinh phí hỗ trợ thì dân mới bàn giao. Đồng thời cũng phải có kinh phí để đơn vị thi công có thể tập kết vật liệu cũng như phương tiện xe máy, nhân lực để thi công.
Theo kế hoạch, cuối tháng 6/2012 sẽ có mẻ sản phẩm bauxite/alumin đầu tiên. Nhà máy bauxite Tân Rai sẽ tăng dần sản phẩm. Nếu tính từ thời điểm này, nếu có tiền thực hiện cũng sẽ không kịp hoàn thành để phục vụ việc vận chuyển sản phẩm bauxite/alumin.
PV:Là đại diện chủ đầu tư, ông có kiến nghị gì?
Ông Trương Hữu Hiệp: Đứng về góc độ quản lý nhà nước, tôi thấy đúng ra Vinacomin phải có phương án tính đường vận chuyển bauxite từ trước. Tuy nhiên, đây có vẻ là giải pháp tình thế sau khi khảo sát thấy việc vận chuyển bauxite trên tuyến đường cũ không đảm bảo.
Hiện đã được Chính phủ giao trách nhiệm hỗ trợ vốn, tôi nghĩ Vinacomin nên có trách nhiệm, như vậy mới đảm bảo được việc vận chuyển sau này, không gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng của địa phương.
PV:Xin cảm ơn ông!/.