Sẽ thực hiện phương án đầu thầu để xác định giá bán điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 – đó là một trong những nội dung được đưa ra tại Hội thảo “Năng lượng tái tạo - Từ chính sách đến thực tiễn” – dẫn chứng/trích lục từ văn bản của Văn phòng Chính phủ Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ mới đây.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu việc ban hành giá điện mặt trời áp dụng từ ngày 1/7/2019 cần tuân thủ một số nguyên tắc, như: Chỉ áp dụng biểu giá khuyến khích cố định đối với các dự án đã ký được hợp đồng mua bán điện và đang thi công, đưa vào vận hành trong năm sau. Các dự án còn lại và dự án mới sau này sẽ chuyển hẳn sang hình thức đấu thầu công khai, cạnh tranh để giảm giá mua điện.
Đồng ý với phương án đấu thầu các dự án điện nói chung, điện mặt trời nói riêng để tạo sự minh bạch, cạnh tranh, song phần lớn doanh nghiệp đều tỏ ra băn khoăn, nghi ngại về tính thực thi trong ngắn hạn. Lý do được đưa ra là đang rất thiếu cơ sở hạ tầng thiết yếu để có thể thực hiện theo các quy định của Luật đấu thầu.
Còn nhiều khó khăn trong đấu thầu để xác định giá bán điện mặt trời. |
Ông Nguyễn Văn Ngọc - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển năng lượng Sơn Vũ, nêu quan điểm: “Dự án đấu thầu đường giao thông hay các mỏ thì Nhà nước đã chuẩn bị sẵn mặt bằng, hạ tầng rồi. Ví dụ, trong các dự án về điện thì khi đấu thầu, chắc chắn truyền tải là phải đến chân công trình, đất đai cũng phải được giải phóng đền bù, đất đai sạch. Trên cơ sở đó, các đơn vị tham gia đấu thầu, từ thời gian đầu tư, giá cả đầu tư… sẽ tính toán được hiệu quả của mình, chứ hiện tại thì khó để mà đưa ra đấu thầu được. Hiện tại bây giờ đất cát vẫn còn nguyên trong tay dân, rồi đền bù như thế nào, thời gian giải phóng đền bù ra làm sao... ai khẳng định rằng sẽ đầu tư hiệu quả như thế nào để mà đấu thầu được”.
Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hữu Vinh – Tổng giám đốc Công ty CP Hà Đô Ninh Thuận đặt vấn đề, muốn thành công trong đấu thầu các dự án năng lượng mặt trời, cần phải giải quyết tận gốc câu hỏi: mục tiêu của đấu thầu là gì?
“Mục tiêu của đấu thầu là gì? Mục tiêu của Nhà nước, của Chính phủ là minh bạch, công khai. Tôi đồng ý mục tiêu minh bạch công khai là tốt, nhưng mục tiêu hiện nay, trước mắt của chúng ta là phải có điện để sử dụng. Vậy thì bao giờ mới có cơ chế đấu thầu? Thứ 2 là về hạ tầng, theo Luật đấu thầu, các dự án này phải có đất sạch. Muốn có đất sạch thì phải có quy hoạch. Về quy hoạch, hiện giờ chúng ta chưa không triển khai được. 11 tháng vừa qua, các quy hoạch đều dừng lại (vì vướng luật quy hoạch). Khi phá được vướng quy hoạch rồi thì triển khai việc thu hồi, giải phóng mặt bằng, có đất sạch thì bàn giao cho chủ đầu tư. Trên cơ sở nền tảng đó chủ đầu tư mới cân nhắc cơ chế đấu thầu thế nào, rồi đầu vào thế nào để có được giá. Nếu đấu thầu thực hiện thành công thì quay lại những yếu tố: đất sạch có rồi, lưới điện truyền tải có rồi, chỉ còn lại bài toán ở thiết bị thôi, bởi vì tỷ trọng thiết bị trong dự án điện mặt trời rất cao, tới gần 90%, tỷ trọng cho việc xây dựng rất thấp, chỉ khoảng 10% thôi… Nhưng ở Việt Nam chưa sản xuất được thiết bị gì. Quan điểm của tôi là phải xem lại mục tiêu của mình có thiết thực hay không”, ông Nguyễn Hữu Vinh nói.
Vướng Quy hoạch, thiếu những quy hoạch đồng bộ để triển khai các dự án nói chung, tiến tới cơ chế đấu thầu các dự án điện mặt trời nói riêng là vấn đề được chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhấn mạnh:“Về vấn đề quy hoạch, chúng ta cần phải có sự đồng bộ. Trong quy hoạch về năng lượng tái tạo thì từ câu chuyện phát điện đến truyền tải điện cho đến cả khâu phân phối bán lẻ, điều then chốt ở đây là tính đồng bộ trong quy hoạch là điểm nghẽn. Vấn đề tiếp theo là chất lượng quy hoạch của chúng ta có vấn đề”.
Các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, các quốc gia trên thế giới đã thực hiện việc đấu thầu các dự án điện mặt trời từ lâu. Việt Nam không thể phát triển điện mặt trời bùng phát và “thiếu quy hoạch” “vô trật tự” như hiện tại. Việc Bộ Công Thương tiến hành lập đề án để có thể triển khai việc đấu thầu giá điện mặt trời vào sang năm là phù hợp với quy luật phát triển năng lượng tái tạo nói chung của thế giới.
Theo ông Nguyễn Văn Vy – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, các nhà đầu tư không nên chỉ quan tâm đến các dự án năng lượng tái tạo (điện mặt trời) quy mô công suất lớn và tập trung vào một vài nơi như Ninh Thuận, Bình Thuận. Cần quan tâm đến việc đầu tư phân tán, với các dự án công suất nhỏ, không bị áp lực về lưới điện… sẽ cho hiệu quả cao hơn và việc đấu thầu đối với các dự án này là hoàn toàn khả thi.
“Việc đấu nối các dự án điện mặt trời khi chọn các vị trí thích hợp, như chọn gần các đường dây trung áp, nếu công suất khoảng 20-30-50MW nên chọn gần các đường trục trung áp, đấu nối vào các đường dây 22kV chẳng hạn thì không cần xây dựng các trạm 110kV, lại còn giảm đc tổn thất của đường dây. Trước đây, các đường dây 22kV nhận điện từ lưới quốc gia về thì bây giờ nhận trực tiếp từ các dự án này thì sẽ giảm được tổn thất.. Việc phát trực tiếp như thế thì sẽ không quá tải đường dây. Cơ bản là quy hoạch như thế nào, chọn địa điểm như thế nào để có cái đấu nối ít nhất. Mặc dù có thể những địa điểm ấy bức xạ không bằng Bình Thuận, Ninh Thuận nhưng đấu nối thuận tiện thì việc đầu tư cho đấu nối sẽ thấp hơn”, ông Nguyễn Văn Vy cho hay.
Ông Đỗ Đức Quân - Phó Cục trưởng Cục Điện lực & Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, kinh nghiệm các nước, sau cơ chế “giá FIT” – nghĩa là cơ chế giá ưu đãi năng lượng tái tạo thì việc đấu thầu giá điện là đương nhiên. Trên cơ sở đấu giá công khai, Bộ Công Thương hy vọng sẽ chọn được các dự án điện với chi phí hợp lý. Bộ đang cùng các đối tác WB, ADB nghiên cứu và thí điểm, ví dụ như đấu ở đâu, địa điểm ra sao… trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật liên quan. Dự kiến có 2 phương án đấu thầu được đưa ra, hoặc là phương án đấu thầu tại trạm biến áp, hoặc phương án 2 là giải phóng mặt bằng sạch, mời nhà đầu tư vào đấu thầu./.
Phát triển nguồn điện mặt trời vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế