Qua 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể cho thấy: Kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX có bước phát triển cả số lượng và chất lượng, khắc phục tình trạng yếu kém kéo dài, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, kinh tế tập thể phát triển vẫn chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra; hiện vẫn đang có những tồn tại, bất cập rất cần được quan tâm, tháo gỡ.
Về xã vùng cao Hồng Ca, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái thấy rõ sự no ấm hiện hữu trên những nương quế, đồi tre măng Bát độ xanh rì bao quanh những ngôi nhà xây khang trang. Vốn là xã đặc biệt khó khăn của huyện, thu nhập của người dân rất bấp bênh, thế nhưng, bằng sự nỗ lực vượt bậc, Hồng Ca đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2019. Bà con địa phương cho biết, từ khi các sản phẩm quế, măng tre được các nhà máy, HTX thu mua ổn định, đời sống người dân bắt đầu được nâng lên.
Ông Hà Ngọc Toanh, Giám đốc HTX Dịch vụ tổng hợp Hồng Ca, nguyên Chủ tịch UBND xã Hồng Ca cho biết, HTX ra đời từ chủ trương xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí số 13 về tổ chức sản xuất. Đến nay, doanh thu của HTX đã đạt trên 20 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 20 lao động và bao tiêu sản phẩm măng tre bát độ, cành, lá quế cho hàng ngàn hộ dân trên địa bàn xã và các xã lân cận.
Để tiếp tục phát triển, HTX luôn chú trọng việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm thế mạnh; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống sản xuất nhằm bảo đảm sản lượng, chất lượng và các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.
“HTX tiếp tục vận động anh em duy trì hoạt động và mong muốn ngày càng phát triển đi lên. Nếu được sự hỗ trợ của Nhà nước cũng như các chủ trương được tiếp cận tốt hơn nữa, HTX tin rằng sẽ phát triển tốt”, ông Toanh khẳng định.
Nằm trên Hồ Thác Bà mênh mông, HTX thủy sản Hoàng Kim ở huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái có khoảng 300 lồng cá được đầu tư, thiết kế bài bản, khoa học, nuôi hàng triệu con cá lăng, cá tầm, diêu hồng, rô phi… mỗi năm cho thu khoảng 700 tấn cá các loại, đạt giá trị hàng chục tỷ đồng.
Ông Nguyễn Quyết, Phó Giám đốc HTX cho biết, không chỉ tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương, đơn vị còn tiên phong trong việc chăn nuôi, tiêu thụ các sản phẩm cá lồng, tạo tiền đề để nghề nuôi cá lồng phát triển vững chắc tại địa phương.
“Chăn nuôi cá trước tiên đem lại hiệu quả cho mình, sau đó là xây dựng được thương hiệu Cá hồ Thác Bà đi lên. HTX cũng mong muốn được các ban ngành ở địa phương có những hỗ trợ để HTX có hướng phát triển tốt”, ông Quyết đề xuất.
Thời gian qua, Yên Bái đã có nhiều HTX được hình thành từ chính niềm đam mê của những nông dân chân chất mang nặng tình yêu quê hương, muốn phát huy thế mạnh của địa phương để không chỉ làm giàu cho bản thân mà còn giúp đỡ, nâng cao thu nhập cho nhiều người khác, để mỗi người dân yên tâm gắn bó làm giàu trên mảnh đất quê hương.
“Tôi nhận thấy tại địa phương nhiều diện tích đất rất có tiềm năng, với việc học hỏi kiến thức của các anh chị, chú bác đi trước nên tôi thành lập HTX chăn nuôi tổng hợp, sau đó rủ những người bạn cùng liên minh. Hiện tại HTX có 9 thành viên”, anh Hoàng Văn Liêm, Giám đốc HTX Thiên An, huyện Yên Bình, nông dân Việt Nam xuất sắc 2021 chia sẻ.
Cũng theo anh Liêm, trong quá trình chăn nuôi, anh cùng các xã viên luôn tuân thủ đúng quy trình kiểm dịch, tiêm vaccine cho đàn vật nuôi; ngoài ra còn cho trâu, bò ăn thêm những loại thức ăn giàu đạm; sử dụng hệ thống phun sương tắm mát cho đàn gia súc từ 7 - 8 tiếng/ngày.
Với cách chăm sóc chu đáo, khoa học, đàn trâu, bò phục hồi thể trạng rất nhanh, chỉ sau 2 - 2,5 tháng, những con trâu, bò có thể tăng trung bình từ 40 - 60kg... Hiện mỗi lứa, trang trại của HTX chăn nuôi tập trung quy mô 100 - 120 con, mỗi năm nuôi luân chuyển, xuất bán 1.500 con trâu, bò thịt và trâu, bò giống. Thị trường tiêu thụ không chỉ trong tỉnh mà còn cung cấp cho các tỉnh bạn như Tuyên Quang, Lào Cai và Hà Giang. Từ đây, mỗi thành viên HTX đều có cuộc sống ổn định với lợi nhuận bình quân khoảng 150 triệu đồng/thành viên/năm.
“Từ khi được anh Liêm đưa vào làm thành viên HTX, gia đình đã nuôi trâu và phát triển số lượng nhiều hơn; đầu ra, đầu vào luôn ổn định”, anh Hoàng Văn Kiểm, thành viên HTX Thiên An phấn khởi nói.
Ngoài các sản phẩm truyền thống, hiện ở Yên Bái cũng xuất hiện nhiều HTX kinh doanh, nuôi trồng những sản phẩm hoàn toàn mới lạ. HTX thương mại và dịch vụ tổng hợp Quỳnh Anh ở huyện Văn Chấn là một ví dụ. HTX này được thành lập vào tháng 6/2022 với ngành nghề chính là sản xuất, chế biến nông sản, mà chủ lực là liên kết với một đơn vị khác trong nước trồng, chế biến cây dược liệu xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.
Ông Phạm Văn Thắng, Giám đốc HTX Quỳnh Anh cho biết, loại dược liệu đơn vị đang trồng là loại cây hoàn toàn mới, khi đưa vào trồng thử nghiệm rất phù hợp với thổ những, tiểu vùng khí hậu của Yên Bái. Sau khi thu hoạch sẽ cho giá trị gấp 4 - 5 lần so với trồng lúa, ngô. Đặc biệt, phía đối tác Nhật Bản mang sản phẩm của HTX đi kiểm định đã đánh giá rất cao về chất lượng, qua đó đã chấp thuận định danh vùng nguyên liệu, mở ra cơ hội để HTX có thị trường ổn định, bền vững và mở rộng sản xuất.
“Nhờ việc đưa những cây trồng mới có giá trị kinh tế cao, cùng sự liên kết theo chuỗi giá trị, HTX đang cùng bà con nông dân triển khai quy trình an toàn hơn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ”, anh Thắng cho biết.
Sự xuất hiện, phát triển của các HTX và tổ hợp tác đã góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn mới ở Yên Bái, mang lại sự ấm no, giàu đẹp cho các miền quê. Tuy vậy, kinh tế tập thể vẫn được đánh giá là phát triển chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ. Nội dung này sẽ được đề cập trong bài viết tiếp theo./.
Toàn tỉnh Yên Bái hiện có hơn 600 HTX; trong đó, lĩnh vực nông nghiệp chiếm hơn 1/2, còn lại là các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, vận tải, thương mại dịch vụ và quỹ tín dụng nhân dân.
Tổng vốn điều lệ của các HTX là hơn 1.300 tỷ đồng, tập hợp gần 30.500 người lao động. Bên cạnh đó, toàn tỉnh cũng có gần 5.900 tổ hợp tác, với trên 29.000 thành viên./.