Sáng 10/12, tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM, Bộ GTVT, Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) và Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM đã tổ chức bán đấu giá cổ phiếu ACV lần đầu ra công chúng (IPO). Bộ trưởng Bộ Đinh La Thăng, các lãnh đạo bộ, Cục Hàng không, các nhà đầu tư đã tham gia sự kiện quan trọng này.
Theo Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, số lượng cổ phần bán đấu giá trong đợt IPO này của ACV là 77.804.122 cổ phần (tương ứng 3,47% vốn điều lệ). Mệnh giá cổ phần là 10.000 đồng/ cổ phần. Giá khởi điểm là 11.800 đồng/cổ phần. Tính đến thời điểm trước phiên khai mạc đấu giá, khối lượng đặt mua đã gần gấp đôi khối lượng bán, giá đặt mua cao nhất là 38.300 đồng/CP, giá thấp nhất bằng giá khởi điểm, tức 11.800 đồng/cổ phiếu.
Kết thúc phiên đấu giá, cổ phiếu ACV chốt ở mức giá bình quân là 14.344 đồng/CP. Trong đó giá đấu thành công cao nhất là 38.300 đồng/CP, giá đấu thành công thấp nhất là 13.100 đồng/CP.
Bộ trưởng Đinh La Thăng gõ cồng khai mạc phiên đấu giá lần đầu ra công chúng của ACV. |
Bên cạnh hoạt động kinh doanh chính là các dịch vụ hàng không trên cơ sở khai thác lợi thế thương mại tại các cảng hàng không, ACV còn cung cấp các dịch vụ phi HK (bán hàng phi hàng không). Theo đó, doanh thu phi hàng không đóng góp trung bình 19% tổng doanh thu của ACV trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay. Động lực tăng trưởng chính của hai mảng này đến từ diện tích thương mại tăng, mô hình hợp tác kinh doanh đã được triển khai và lượng hành khách quốc tế tăng vọt.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá, doanh thu phi hàng không của ACV còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng, do hiện vẫn ở mức thấp cả về tỷ trọng và số tuyệt đối trên lượng hành khách so với các cảng hàng không trong khu vực và thế giới.
Một điểm đáng lưu ý, ACV hiện đang sở hữu nguồn lực tài chính vững chắc với dòng tiền mạnh. Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh giai đoạn 2012 – 2014 dao động từ 2.096 tỷ đồng đến 3.779 tỷ đồng và đạt 1.455 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2015. Điều này xuất phát từ hoạt động kinh doanh cốt lõi tăng trưởng nhanh, lợi thế về thời gian trả nợ dài, lãi suất thấp, chi phí khấu hao và chi phí sửa chữa lớn tài sản được trích trước hàng năm cao.
Có thể nói, nhờ tiềm lực dòng tiền mạnh, được tích lũy hàng năm từ doanh thu tăng trưởng, khấu hao, nợ vay ODA chưa tới kỳ, chi phí sửa chữa tài sản lớn, ACV có đủ nguồn lực để tiếp tục đầu tư và mở rộng khối tài sản.
Tổng giá trị tiền, tương đương tiền và tiền gửi ngân hàng của ACV hiện đạt 14 nghìn tỷ đồng, lớn hơn tổng dư nợ dài hạn của Tổng công ty. Do đó, các nhà đầu tư hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, dòng tiền hoạt động trong tương lai của ACV sẽ tiếp tục duy trì ở quy mô lớn và ổn định, hỗ trợ đắc lực cho quá trình đầu tư nâng công suất, đồng thời tạo ra nguồn lợi nhuận ổn định, bảo đảm quyền lợi cho cổ đông.
Là một trong số ít cổ phiếu của ngành hàng không được chào bán ra công chúng, cổ phiếu của ACV đã tạo được sức hút, sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi tiềm năng cùng những lợi thế ấn tượng.
Cơ sở nền tảng mang tính chất cốt lõi, toàn bộ 22 cảng hàng không dân dụng trải dài khắp cả nước hiện được quản lý, điều hành và khai thác bởi một đơn vị duy nhất là ACV. Do vậy, hoạt động của ACV mang tính đặc trưng của ngành, được hưởng lợi trực tiếp từ tiềm năng tăng trưởng của ngành hàng không với kỳ vọng bình quân 7,3%/năm trong 20 năm tới, nhanh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Từ nhận định, phân tích về mặt lưu lượng và giả định sản lượng hành khách qua cảng được dự báo tăng trung bình 7.3%/năm theo báo cáo của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trong đó mức tăng trung bình đối với sản lượng hành khách quốc tế và nội địa được dự báo đạt lần lượt 5.3% và 8.2%. Các mức giá dịch vụ sau khi được điều chỉnh tăng đến cuối 2014, Công ty Chứng khoán BSC nhận định, kết quả kinh doanh của ACV có thể sẽ tăng trưởng bền vững trong giai đoạn 2015 – 2020.
Cụ thể, nếu căn cứ trên việc dự báo chi tiết doanh thu theo từng loại dịch vụ và chi phí như trên, ACV được dự báo sẽ đạt 10.130 tỷ đồng doanh thu thuần và 1.719 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế năm 2015. Trong giai đoạn tiếp theo, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 7%/năm đối với doanh thu và đạt 9%/năm đối với lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh chính trong giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, thị trường hàng không nội địa, đặc biệt là các doanh nghiệp như ACV còn rất nhiều tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa.
Theo Tổng cục Du lịch, trong năm 2014 ghi nhận con số kỷ lục với 7,87 triệu lượt khách quốc tế qua đường hàng không, tăng 32% so với năm 2013. Riêng 9 tháng đầu năm 2015, dù tốc độ tăng trưởng có chững lại nhưng du khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không vẫn xấp xỉ cùng kỳ năm trước với 4,71 triệu lượt khách.