Tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sau khi đánh giá tình hình phát triển kinh tế 2018, Chính phủ đã đưa kế hoạch phát triển kinh tế năm 2019. Theo đó, về mục tiêu tổng quát trong phát triển kinh tế 2019 là tiếp tục củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Tăng trưởng kinh tế ổn định kết hợp với những chuyển biến tích cực về đời sống văn hóa, xã hội, nâng cao thu nhập của người dân chính là mục tiêu lâu dài để phát triển kinh tế-xã hội bền vững.

Các chỉ tiêu cơ bản trong phát triển kinh tế năm 2019 đã được Chính phủ đề xuất bao gồm: tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6 - 6,8%; tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7 - 8%; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33 - 34% GDP.

tang_truong_kinh_te_1_kbht.jpg
Việt Nam có tiềm năng và dư địa để đạt các mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong năm 2019 (Ảnh minh hoạ:KT)

Nhiều dư địa để tăng trưởng

Theo TS. Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế - giá cả (Bộ Tài chính), các chỉ tiêu mà Chính phủ đề ra là khả thi. Chỉ số giá tiêu dùng khoảng 4% là mục tiêu hoàn toàn có thể đạt được. Tuy nhiên, về tăng trưởng GDP, TS. Nguyễn Đức Độ lưu ý, mức tăng trưởng này còn phụ thuộc vào tình hình biến động của kinh tế thế giới.

TS. Nguyễn Đức Độ
“Nếu kinh tế thế giới tương đối ổn định như năm 2018 thì mục tiêu tăng trưởng GDP 6,6-6,8% có thể đạt được, nhưng nếu kinh tế thế giới kém đi thì việc đạt được kết quả này là khó khăn”, ông Độ nhận định.

Còn theo TS. Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, các chỉ tiêu kinh tế Quốc hội đặt ra khá cao, đòi hỏi sự phấn đấu rất toàn diện mới có thể đạt được, bởi so với môi trường kinh doanh trên thế giới và trong nước, tình hình đã trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Ông Doanh cho rằng, cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã làm thay đổi hẳn tình hình xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế, khiến nhà đầu tư nước ngoài trở nên dè dặt hơn. Bên cạnh đó, hiện quan hệ giữa Mỹ và Iran rất căng thẳng, nên giá dầu có thể giảm nếu Arab Saudi tiếp tục tăng sản lượng; tuy nhiên, giá dầu cũng có thể tăng lên nếu tình hình Iran căng thẳng.

Theo TS Lê Đăng Doanh, thời gian tới, tình hình kinh tế thế giới có thể biến động, rất khó dự đoán. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn có tiềm năng và dư địa để đạt mục tiêu tăng trưởng mà Chính phủ đặt ra trong năm 2019, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và xuất khẩu.

“Hiện ngay cả Mỹ cũng không dự báo được tình hình xuất khẩu như thế nào, tình hình kinh tế Mỹ cũng có thể sẽ khó khăn hơn với cuộc chiến tranh Mỹ-Trung này, nên việc Việt Nam có thể xuất khẩu sang Mỹ, sang Châu Âu không đòi hỏi nỗ lực rất lớn của cả phía doanh nghiệp và Chính phủ. Cần tăng cường các cải cách trong nước để giảm bớt những khoản chi tiêu phi chính thức, giảm bớt các phiền hà; đặc biệt, đẩy mạnh việc thực hiện dự án Chính phủ điện tử để tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân”, TS Lê Đăng Doanh đề xuất.

Lo ngại lạm phát

TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương
Về bức tranh lạm phát, giá cả, TS Lê Đăng Doanh cho rằng, kiểm soát lạm phát ở mức 4% trong năm 2019 sẽ không dễ dàng đạt được vì theo dự kiến, ngay từ 1/1/2019 đã nâng thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu lên mức kịch trần. Theo ông Doanh, giá xăng dầu là giá đầu vào cho tất cả các sản phẩm, dịch vụ khác. Giá xăng dầu tăng sẽ khiến cho giá chi phí vận tải tăng lên, các mặt hàng từ mớ rau, quả trứng cho tới sắt thép, xi măng… đều tăng lên.

“Trong kinh tế học gọi là cân đối liên ngành, theo tính toán sẽ đóng góp nâng CPI lên 1,6%. Tôi đề nghị Quốc hội không tăng thuế BVMT đối với xăng dầu vào 1/1/2019 mà nên tăng thuế xăng dầu vào sau Tết Nguyên đán, bởi nếu không tác động tới lạm phát sẽ rất rõ rệt. Quốc hội nên thảo luận và hoãn thời gian thực hiện việc tăng thuế của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Ngoài ra, cần cân đối tiền tệ, kiểm soát chặt chẽ việc phát hành tiền, vì việc phát hành tiền sẽ thúc đẩy lạm phát tăng lên”, TS Doanh nêu ý kiến.

Dưới góc độ khác, theo TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế Xã hội Quốc gia, việc kiểm soát lạm phát dưới 4% nếu đề ra để chỉ đạo thực hiện thì vẫn có thể thực hiện được, nhưng vô hình chung lại chặn đứng kinh tế thị trường. Theo ông Ân, để có lợi cho nền kinh tế thì không nên khống chế ở mức 4% mà có thể 4,5% hoặc dưới 5%. Sở dĩ nên để mức 4-4,5% là để các mặt hàng được điều hành theo kinh tế thị trường, ví dụ như xăng dầu, học phí, dịch vụ y tế…

“Với kinh tế Việt Nam, lạm phát dưới 5% chưa có vấn đề gì, không phải là không ổn định và mức lạm phát dưới 5% không gây đảo lộn gì về các cân đối lớn của nền kinh tế. Thực tế diễn biến của nền kinh tế có nhiều thay đổi, vì thế không cần phải có chỉ tiêu cứng cho vấn đề này. Các mục tiêu đề ra vẫn có thể điều chỉnh. Trong điều kiện chúng ta vẫn cố gắng kiểm soát lạm phát, tạo ra sức nén lớn thì có thể sẽ có ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế, nền kinh tế sẽ không đuổi kịp theo cơ chế thị trường, trong khi chúng ta đang xây dựng cơ chế thị trường đầy đủ tiệm cần dần với kinh tế thế giới”, TS. Lê Đình Ân nói. 

Trước bối cảnh nền kinh tế có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít nguy cơ, rủi ro, các chuyên gia kinh tế khuyến cáo, nhiệm vụ trọng tâm của kinh tế 2019 là vừa phải ổn định kinh tế vĩ mô, vừa phải quyết liệt thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh tốc độ cơ cấu lại nên kinh tế, đổi mới thực chất hơn nữa mô hình tăng trưởng, nâng cao hơn nữa chất lượng tăng trưởng.

“Việt Nam phải có nỗ lực rất lớn trong cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh mạnh mẽ và thực chất hơn, thì mới có thể duy trì đà tăng trưởng. DN phải cảm nhận được những tín hiệu tích cực thực sự từ môi trường kinh doanh thông qua những nỗ lực thay đổi của cả hệ thống chính trị chứ không chỉ là những nỗ lực không mệt mỏi của người đứng đầu Chính phủ”, TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh./.