Bên lề hội thảo “Quản lý hoạt động chuyển giá: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” do Bộ Tài chính tổ chức sáng 11/12, ông Nguyễn Quang Tiến – Vụ trưởng, Phó trưởng ban cải cách Tổng cục thuế Việt Nam cho biết điều này.

chuyen%20gia.jpg
Coca Cola đang bị nghi ngờ có dấu hiệu chuyển giá (ảnh SG news)

PV: Thưa ông, ngoài chống thất thu thuế, chống chuyển giá còn có mục tiêu nào khác nữa?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Việt Nam đang là nước nhận nguồn vốn có rủi ro cao, nên chống chuyển giá phải được đẩy mạnh. Đẩy mạnh phải theo đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng DN có sự gian dối để không ảnh hưởng tới các DN làm ăn chân chính. Chuyển giá không phải là vấn đề cản trở thu hút đầu tư nước ngoài. Chuyển giá để đảm bảo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng giữa các DN. Có những DN được hưởng lợi từ chuyển giá. Còn DN làm ăn chân chính thì lại bị thiệt thòi.

Quy định pháp lý về giá chuyển nhượng phải kê khai. Nhưng hầu hết các DN đều chậm kê khai. Trong kế hoạch cải cách hệ thống thuế chúng tôi coi tăng cường năng lực thực thi thuế quốc tế của cán bộ thuế là vấn đề trọng tâm. Thuế quốc tế trong đó chú trọng đến chống chuyển giá, giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, đến năng lực để giải quyết các hiệp định tránh đánh thuế hai lần, tăng cường thông thương quốc tế, đặc biệt với các quốc gia đã có đầu tư vốn ở Việt Nam.

PV: Kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyển giá trong năm tới sẽ như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì chương trình kiểm soát giá chuyển nhượng tại Việt Nam, kết hợp với các Bộ ngành, trọng tâm là giao cơ quan thuế tại địa phương. Mục tiêu cuối cùng chống chuyển giá để bảo vệ quyền đánh thuế của quốc gia. Các quốc gia có công ty mẹ, công ty con sẽ dễ xảy ra việc tranh chấp quyền lợi, phân chia quyền đánh thuế của các quốc gia.

Cơ quan thuế đã trình Bộ chương trình kiểm soát hoạt động chuyển giá  2012-2015, quyết định 1250 của Bộ trưởng Tài chính. Đợt tới, chúng tôi tập trung vào công tác thanh tra các đối tượng theo kế hoạch chứ không thanh tra tràn lan, có đánh giá bằng những tiêu chí được xây dựng cụ thể. Trong đó trọng tâm dấu hiệu chuyển giá là những DN kê khai lỗ triền miên nhưng vẫn đầu tư, cơ quan thẩm định giá nâng vốn đầu tư bằng cách chuyển giá thông qua tài sản hữu hình, nâng vốn đầu tư lên để chia chác khấu hao, nguyên vật liệu. Như trường hợp Coca là 100% vốn nước ngoài, thường xuyên sử dụng nguyên liệu mua của công ty mẹ với giá cao và bán lại cho công ty mẹ với giá thấp để hưởng chênh lệch rất lớn. Khi mua đã chuyển ra nước ngoài rồi, khi bán lại giá thấp để tránh thuế.

PV: Đối với các DN kê khai lỗ nhiều năm mà vẫn mở rộng sản xuất kinh doanh thì sẽ xử lý thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Cơ quan thuế sẽ tập trung thanh tra, kiểm tra và sẽ có cán bộ phân tích đầy đủ hồ sơ, chứng cứ. Trường hợp như vậy phải làm rõ, lỗ thì nguồn tiền ở đâu? Ngoài thanh tra, kiểm tra để xác định thì còn bổ sung thêm qui chế pháp lý, ví dụ như vốn mỏng, lỗ liên tục, chuyển vốn ra ngoài nhưng do vay của công ty mẹ… mà ta chưa có qui định. Muốn làm được việc này thì giai đoạn tới phải thay đổi về chính sách, cơ chế quản lý, đào tạo nhân lực và sự phối hợp giữa các cơ quan, các cấp. Chống chuyển giá không phải một mình cơ quan thuế làm được. Chính sách thuế TNDN chúng ta cũng phải sửa vì liên quan đến đầu tư nước ngoài. Chúng ta cứ ưu đãi tràn lan. Ví dụ với DN công nghệ thì công nghệ tiên tiến, thời gian hoàn vốn rất nhanh nhưng thời gian ưu đãi tới 4 năm, giảm 9 năm đến 13 năm khoảng thời gian này DN đã có thể thu hồi vốn cả 3 lần rồi. Luật DN của ta rất thông thoáng nhưng DN lại chuyển giao lòng vòng trong thời gian ưu đãi miễn giảm thuế và công ty mẹ hết thời gian miễn giảm thuế thì lại chuyển cho công ty con.

Theo lộ trình cải cách thì sẽ hạ thuế TNDN xuống, đang dự kiến là có thể 20 hoặc 23% nhưng sẽ phân ra giữa DN lớn, DNNVV để ưu đãi. Các DNNVV cần được ưu đãi hơn để họ vượt qua khó khăn.

PV: Về nguồn nhân lực, sắp tới cần có những gì phải thay đổi, thưa ông?

Ông Nguyễn Quang Tiến: Thực tế, hiện nay chúng ta có những cán bộ trình độ kế toán rất tốt nhưng lại yếu về ngoại ngữ. Có những cán bộ hiểu biết rất tốt về thuế quốc tế nhưng lại không phân tích được báo cáo tài chính đến mức độ chuyển giá. Vì đã là chuyển giá thì họ có hẳn một kế hoạch tránh thuế và bao giờ cũng có những công ty kiểm toán giúp sức đằng sau. Thời gian tới, chúng tôi có cả yêu cầu về trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong kê khai của doanh nghiệp liên kết và nếu xảy ra hậu quả truy thu doanh nghiệp liên kết thì công ty kiểm toán cũng phải có trách nhiệm. Câu chuyện phải sòng phẳng, anh đã ăn phí dịch vụ của họ để tránh thuế thì phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Hầu hết chuyển giá xảy ra với đối tượng nộp thuế lớn (Ông Michael Palmer – Chuyên gia về chuyển giá Australia)

Có nhiều tập đoàn đa quốc gia nên có thể chuyển tiền từ nước này sang nước khác. Lợi nhuận của các công ty đa quốc gia tăng lên nhờ chuyển giá. Họ sẵn sàng đầu tư rất nhiều tiền cho nhân viên thuế để xây dựng các kế hoạch lách luật. Chuyển giá ngày càng phức tạp ở Việt Nam vì nó từng như vậy ở Australia. Nếu không quản lý tốt thì sẽ tạo ra một hệ thống không công bằng giữa các doanh nghiệp. Mua hàng, bán tài sản vô hình, phí quản lý rủi ro… là những giao dịch điển hình khi tiến hành hoạt động kinh doanh.

Những cân nhắc cho Việt Nam: Xây dựng nhóm cán bộ, chuyên gia hàng đầu về giá chuyển nhượng tại trung ương và các chi cục. Muốn vậy phải lựa chọn cán bộ phù hợp, có kỹ năng, trình độ. Không nên quá ôm đồm nhiều cuộc thanh tra, kiểm toán nếu muốn thực hiện các cuộc kiểm toán một cách nghiêm ngặt, kỹ lưỡng. Và nên sử dụng các dữ liệu của nước ngoài. Đây là bài học thành công của Australia và nhiều quốc gia.

Tại sao Coca Cola đầu tư vào Thái Lan lại có lãi? - PGS.TS Nguyễn Văn Tạo – Phó trưởng khoa Tài chính (Đại học kinh doanh và công nghệ Hà Nội).

Vấn đề chuyển giá đã được đặt ra 10 năm nay, từ 2000 đã có một đề tài cấp Bộ về vấn đề này, nhưng không ai quan tâm. Cái chính là trình độ của mình kém. Tại sao cũng Coca Cola, cũng hương liệu như thế mà khi đầu tư vào Thái Lan lại có lãi. Mình phải tìm hiểu cái này.

Giải pháp phải tăng cường kiểm tra thuế. Với Coca Cola chúng ta gần như chưa kiểm tra. Bây giờ phải so sánh với các nước, tại sao đầu tư tại nước khác lại có lãi, lợi nhuận thế này mà vào Việt Nam lại lỗ. Mình không có kinh nghiệm về lĩnh vực này, cộng thêm nữa là năng lực cán bộ yếu, trình độ ngoại ngữ kém…