Báo cáo nghiên cứu với chủ đề “giám sát, đánh giá hoạt động của DNNN- thực trạng và kiến nghị đổi mới” của CIEM vừa công bố sáng 22/11, chỉ rõ: Các DNNN vẫn đang có vai trò lớn trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp trên 30% GDP. Theo số liệu của MPI (2011), tổng vốn chủ sở hữu nhà nước tại các DNNN trên 700.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung ở các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước.
Tổng tài sản đến 31/12/2010 của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đạt gần 2 triệu tỷ đồng. Còn theo số liệu của GSO (2011), tính chung cho cả khu vực DNNN (gồm cả doanh nghiệp có trên 50% vốn điều lệ thuộc sở hữu nhà nước), thì tổng tài sản đạt khoảng 3,1 triệu tỷ đồng, chiếm trên 40% tổng tài sản của toàn bộ các doanh nghiệp và lớn hơn tổng GDP hằng năm của Việt Nam.
Vinalines là một trong nhiều DNNN làm ăn thua lỗ |
Với khối tài sản và nguồn lực lớn nêu trên, ông Phạm Đức Trung, Phó Trưởng ban, Ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (CIEM) đánh giá: “chắc chắn ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của cả nền kinh tế”.
Hơn nữa, “hiệu quả thực sự của việc sử dụng nguồn lực này là vấn đề chưa có câu trả lời chính xác và thống nhất. Ngay cả những số liệu được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố chính thức cũng chỉ là số liệu báo cáo chưa đầy đủ, chưa có kiểm chứng đảm bảo tính xác thực”- ông Trung cho biết.
Dẫn chứng cho nhận định này, ông Trung nêu: Năm 2009-2010, Tập đoàn Vinashin trong tình trạng “trước bờ vực phá sản”, nợ phải trả lên tới khoảng 86.000 tỷ đồng, nợ đến hạn phải trả trên 14.000 tỷ đồng, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu gấp 11 lần, khó có khả năng tự cân đối dòng tiền, sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhiều dự án đầu tư dở dang, không hiệu quả, 5000 công nhân bị mất việc làm.
Dù vậy, ông Trung khẳng định, từ đó đến nay vẫn còn tranh luận về giá trị thực của tài sản, vốn nhà nước, các khoản nợ, mức độ thua lỗ của Tập đoàn này… Năm 2011, tình trạng tương tự diễn ra đối với Tổng công ty Hàng hải Vinalines và một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước khác, cho dù với phạm vi và quy mô nhỏ hơn…
Thất thoát, lãng phí vì hiệu quả giám sát yếu
Từ thực tế nêu trên, theo ông Trung, hoàn toàn hợp lý và khách quan để đặt câu hỏi: Bên cạnh những yếu kém về quản trị, quản lý và điều hành của doanh nghiệp thì Nhà nước (với tư cách một chủ sở hữu – một nhà đầu tư) có trách nhiệm như thế nào trong quản lý cũng như hiệu quả khai thác, sử dụng tài sản đầu tư vào DNNN? Ai phải chịu trách nhiệm trong các sai phạm, thất thoát, thua lỗ lớn của DNNN, trước hết là một số tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước quy mô lớn? Và, tại sao việc sử dụng kém hiệu quả một khối lượng
Câu trả lời, theo Viện CIEM, nằm ở cơ chế giám sát của Nhà nước. “Hiện đã có nhiều nghiên cứu cho rằng, hiệu lực và hiệu quả giám sát của Nhà nước yếu dẫn tới thất thoát, lãng phí các nguồn lực đã đầu tư cho DNNN và làm ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế chung của quốc gia”.
Đồng quan điểm, TS Trần Tiến Cường, chuyên gia tư vấn độc lập, cho rằng, nguyên nhân hàng đầu của những thất thoát, lãng phí của DNNN là do cơ chế giám sát của Nhà nước.
Ngay trong Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI cũng đã nhận định: “Một số doanh nghiệp vi phạm các quy định của Nhà nước về quản lý vốn đầu tư, làm thất thoát tài sản của Nhà nước nhưng chậm được phát hiện, ngăn chặn, xử lý. Hoạt động giám sát chưa có tác dụng cảnh báo và ngăn ngừa việc sử dụng yếu kém hiệu quả vốn và tài sản nhà nước đầu tư. Cơ chế giám sát việc thực hiện các quyền, nghĩa vụ và bảo vệ lợi ích của chủ sở hữu nhà nước còn thiếu đồng bộ”.
Nghiên cứu của CIEM nhận định: cơ chế giám sát, đánh giá DNNN ở Việt Nam hiện nay (cả về quy định pháp luật và tổ chức thực hiện) chưa đạt mục tiêu.
Đơn cử, khi toàn bộ DNNN đã chuyển sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp từ 1/7/2010 thì Luật DNNN không còn đối tượng điều chỉnh. Thậm chí, có ý kiến cho rằng Luật DNNN và hệ thống các văn bản hướng dẫn đã hết hiệu lực, trong đó có các văn bản về giám sát, đánh giá hoạt động của DNNN. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật đó vẫn tiếp tục được áp dụng khi chưa có các văn bản thay thế trong điều kiện DNNN đã hoạt động dưới các hình thức công ty của Luật Doanh nghiệp.
Vì thế, “tính đồng bộ của hệ thống các văn bản về giám sát và đánh giá DNNN bị phá vỡ”.
Mặc dù, theo Viện CIEM, 30 năm cải cách DNNN vừa qua, Việt Nam đã có một hệ thống các quy định về giám sát đối với DNNN. Việt Nam cũng có một hệ thống đồ sộ các cơ quan và bộ máy nhà nước thực hiện giám sát DNNN.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Kim Toàn, chuyên gia tư vấn độc lập, cho rằng các quy định về giám sát, đánh giá DNNN khá đầy đủ, nhưng ý thức tự báo cáo, tự đánh giá nhận xét của các DNNN còn chưa nghiêm túc…. Thành ra, các văn bản pháp luật đó nhiều khi chỉ tồn tại trên danh nghĩa, hiệu lực thực tiễn không cao.
Nhấn mạnh vai trò của chủ thể quản lý đối với DNNN, TS Trần Tiến Cường cho rằng: Chưa thay đổi tư duy quản lý DNNN trong thể chế kinh tế thị trường. Vẫn tư duy theo kiểu cũ của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây: nặng về quản lý theo kiểu quy định nghĩa vụ đối với DNNN và quyền đối với cơ quan nhà nước; nhẹ về trách nhiệm của cơ quan nhà nước, đặc biệt là trách nhiệm của Nhà nước với tư cách nhà đầu tư (mà không phải là quản lý hành chính nhà nước), ngoài những quy định cần thiết, quan trọng nhưng ở mức tối thiểu thì cần tăng cường giám sát- đánh giá-phát hiện-điểu chỉnh-xử lý với chế tài nghiêm.
Cho nên thực tế, theo ông Cường, mỗi khi có vấn đề phát sinh mới thanh tra, kiểm tra, giám sát… đó là cái vòng luẩn quẩn trong công tác quản lý, giám sát DNNN. Cần phải thay đổi tư duy quản lý về công tác quản lý và giám sát DNNN, có như vậy sẽ tiến tới có được hệ thống cơ sở pháp lý về giám sát, đánh giá DNNN phù hợp, hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, ông Cường cũng lưu ý, không phải mọi thứ đều có thể điều chỉnh bằng pháp luật, mà cần cả những quy định của chủ thể quản lý, các nhà quản lý. Họ phải đưa ra các quy định thể hiện quyền giám sát, đánh giá của mình, đó là trách nhiệm, quyền hạn của nhà quản lý./.