Sáng nay (20/10), tại thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Kinh tế- Luật thuộc Đại học quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và công ty Tri thức doanh nghiệp quốc tế phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước”.

Dự hội thảo có hơn 150 chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý kinh tế và doanh nhân.

Hội thảo nhằm tổng hợp những nghiên cứu, kiến nghị, đưa ra những vấn đề lý luận xung quanh công tác tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước với các cơ quan có thẩm quyền.

Tại hội thảo, các đại biểu thảo luận nhiều về vai trò, hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước và sự cần thiết cùng những giải pháp tái cơ cấu các doanh nghiệp này.

Tính đến cuối năm 2011, cả nước có 1.309 doanh nghiệp Nhà nước với tổng quy mô tài sản là 1 triệu 760 ngàn tỷ đồng và vốn chủ sở hữu gần 700 ngàn tỷ đồng. Doanh nghiệp Nhà nước có những đóng góp nhất định trong công nghiệp hóa ở Việt Nam, đặc biệt là những năm đầu của công cuộc đổi mới.

Tuy nhiên việc mở rộng nhanh về quy mô, tham gia tràn lan nhiều ngành nghề mà thiếu sự giám sát chặt chẽ khiến hiệu quả kinh tế của các doanh nghiệp này sa sút nghiêm trọng, một số tập đoàn lỗ lớn như EVN, Vinashin, Tổng công ty Chè, Tổng công ty Dâu tằm tơ…

Trong lĩnh vực tạo việc làm, doanh nghiệp Nhà nước cũng yếu kém khi chiếm đến gần 40% tổng đầu tư của cả nước nhưng chỉ tạo được 10% việc làm.

Trước thực trạng này, cần thiết phải tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước để góp phần ổn định, phát triển kinh tế.

Phó giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Trình, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế- Luật nói: “Thời gian qua, các doanh nghiệp nhà nước chưa hoàn thành tốt trọng trách của mình. Thể hiện qua hiệu quả sản xuất kinh doanh chưa cao so với ưu đãi đã nhận được. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp nhà nước còn bị thua lỗ, bị mất vốn, nợ xấu cao, chưa là tấm gương cho các thành phần kinh tế khác về nâng cao năng suất lao động, đổi mới công nghệ… cần phải điều chỉnh, tái cấu trúc để nâng cao hiệu quả”./.