Khi các cơ quan quản lý dường như bất lực trước tình trạng giá sữa tăng vô tội vạ, theo ý kiến của nhiều chuyên gia, vẫn còn những giải pháp “mềm”, ở đó, vai trò của các nhà sản xuất trong nước, doanh nghiệp thương mại và người tiêu dùng mang tính chất quyết định.
Đã 4 - 5 năm nay, đến hẹn lại lên, người tiêu dùng phải gánh chịu sự tăng giá sữa gần như định kỳ của các thương hiệu sữa ngoại. Các doanh nghiệp đã khéo léo lách qua các kẽ hở trong quy định của luật pháp, cụ thể là Pháp lệnh giá trước đây quy định không được tăng giá quá 15% và không được tăng giá liên tục trong vòng 15 ngày, để điều chỉnh giá sữa mỗi ngày một cao mà chưa bao giờ thấy giảm, bất luận giá nguyên liệu sữa thế giới có lúc tăng lúc giảm. Tuy với tốc độ khác nhau, nhưng kết quả chung vẫn là giá sữa năm sau cao hơn năm trước khoảng 30 - 40%. Còn bây giờ, lại cũng nhân việc chưa thống nhất về tên gọi đối với sản phẩm sữa và chưa đưa những tên gọi mới vào văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Giá để doanh nghiệp đổi tên sản phẩm sang thức ăn công thức, thực phẩm bổ sung nhằm tránh kê khai giá sữa. Và có vẻ như người tiêu dùng chỉ còn cách chấp nhận, như ý kiến của chị Thu Vân, chủ một đại lý sữa ở phố Tôn Đức Thắng, Hà Nội: “Nhà cung cấp họ tăng giá thì mình cũng phải tăng thôi. Người tiêu dùng cần thì vẫn phải mua. Lượng hàng của tôi bán ra không thay đổi”.
Phải chăng, nếu cơ quan quản lý Nhà nước không vào cuộc thì sẽ không còn cách nào để chống lại hành động tăng giá sữa của các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối sữa ngoại? Theo ông Vũ Vinh Phú, Phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, thì không hẳn như vậy. Những giải pháp quản lý giá sữa mà Việt Nam đang áp dụng hiện nay vẫn mang tính quản lý hành chính. Và nếu chỉ trông đợi vào các biện pháp quản lý hành chính sẽ không quản được giá sữa lâu dài, cũng như rất dễ tạo kẽ hở pháp lý cho các doanh nghiệp lách, mà những gì chúng ta chứng kiến lâu nay đã cho thấy rõ điều đó. Do vậy, theo ông Vũ Vinh Phú, cần có giải pháp “mềm”, linh hoạt mới mong quản được con ngựa bất kham với cái tên “giá sữa”. “200 nhà nhập khẩu sữa hoàn toàn là doanh nghiệp tư nhân, không có một doanh nghiệp thương mại Nhà nước lớn nào vào cuộc, trong khi đây lại là thị trường nóng bỏng. Nếu như tôi có quyền và có tiền, tôi sẽ cho nhập khẩu một lượng sữa lớn để đấu lại với họ, lấy hàng hóa áp đảo hàng hóa, lấy giá cả áp đảo giá cả”, ông Phú bày tỏ.
Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp nhập khẩu. Còn điều quan trọng là phải chủ động được nguồn hàng hóa trong nước. Thực tế cho thấy, thị trường sữa nước ta vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, từ nguyên liệu tới thành phẩm. Do đó, nếu không tìm ra giải pháp chống chuyển giá hay kiểm soát giá từ gốc sẽ rất khó làm chủ thị trường. Bởi vậy, các doanh nghiệp sản xuất sữa trong nước cần nâng cao hơn nữa khả năng cung ứng sản phẩm cho thị trường trong nước. Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại của Công ty Nutifoods cho biết: “Chúng tôi vẫn tiếp tục chiến lược phát triển được hình thành từ nhiều năm nay và đang nỗ lực đưa ra thị trường những sản phẩm sữa có thể thay thế sữa ngoại nhập. Giá bán sữa Nutifood so với sữa cùng loại nhập khẩu chỉ bằng 50 - 70%”.
Nhưng có kiểm soát được giá sữa hay không còn phụ thuộc rất lớn vào chính thói quen tiêu dùng của người dân. Chỉ khi người tiêu dùng trong nước quan tâm sử dụng sữa thương hiệu Việt như Nutifood, Vinamilk… thay thế cho sản phẩm cùng loại nhập khẩu, tạo dựng cho mình thói quen lấy hóa đơn giá trị gia tăng mỗi khi mua hàng, hay thông tin và “nói không” với những nhãn hiệu sữa thường xuyên tăng giá… thì khi ấy mới có thể ngăn chặn được tình trạng tăng giá sữa bất hợp lý. Đồng thời, các cơ quan quản lý Nhà nước cũng cần thực hiện đúng nhiệm vụ của mình trong việc chống mọi hành vi gian lận qua giá sữa, để người dân Việt Nam được sử dụng sản phẩm sữa đúng với thu nhập và khả năng tiêu dùng thực tế của mình./.