Thương trường là chiến trường, là sự cạnh tranh quyết liệt. Việc doanh nghiệp đã gây dựng được tên tuổi, thương hiệu, nhưng vì nhiều lý do, đặc biệt từ nguyên nhân chủ quan dẫn đến các sự cố về sản phẩm, có thể trở thành thảm họa đối với sự phát triển của doanh nghiệp, thậm chí là sự phát triển của cả một ngành hàng, như vụ sữa nhiễm khuẩn của Fonterra, công ty ở New Zealand có doanh số đứng thứ tư toàn cầu trong lĩnh vực chế biến sữa và các sản phẩm từ sữa. Liệu doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra bài học gì từ vụ bê bối này?

sua-nhiem-khuan.jpg
Một trong những sản phẩm sữa được người sử dụng yêu thích có thành phần đầu vào từ sữa bột nhiễm khuẩn của công ty Fonterra (Ảnh: Dân trí)

Hậu quả và quy mô của vụ bê bối sữa “bẩn” đang ngày một lớn, khi Trung Quốc và một số thị trường nhập khẩu sữa lớn nhất từ New Zealandđã ngừng nhập khẩu các sản phẩm sữa bột của nước này. Cáo buộc mới nhất từ Sri Lanca, thị trường nhập khẩu sữa lớn thứ 5 của New Zealand, về việc nghi ngại một loại sản phẩm khác của hãng Fonterra có nhiễm chất phóng xạ, thực sự giáng thêm một đòn nữa cho tập đoàn sữa danh tiếng này, trong khi đang phải giải quyết hậu quả do vụ sữa nghi nhiễm vi khuẩn độc hại buộc hãng này công bố, thu hồi sản phẩm.

Phản ứng tẩy chay của thị trường, của người tiêu dùng toàn cầu với sản phẩm độc hại là đương nhiên. Tâm lý người tiêu dùng chắc chắn không đến mức cực đoan, là không dùng sản phẩm sữa nữa, nhưng những gì liên quan đến sữa từ New Zealand, gần như phản xạ đầu tiên là loại bỏ. Họ không cần quan tâm tới số lô nhập khẩu của loại sữa nghi nhiễm khuẩn mà doanh nghiệp thông báo, và cũng không quan tâm tới đó là hãng sản xuất nào, mà cứ có nguồn gốc từ New Zealand là không mua- tránh “cho lành”.

Như vậy là, bê bối của hãng Fonterra đã làm ảnh hưởng chung tới ngành sản xuất sữa của New Zealand, vốn là ngành chiếm tới 25% kim ngạch xuất khẩu, đóng góp gần 3% tổng sản phẩm quốc nội của nước này.

Thị trường nước ta mấy tuần qua cũng phản ứng mạnh với các thông tin về sữa ngoại nhiễm bẩn. Người tiêu dùng e dè, lo ngại, thận trọng hơn khi chọn mua sữa.

Để tránh “vạ lây”, nhiều công ty sữa đã chủ động cung cấp thông tin cho cơ quan quản lý, giới truyền thông và người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu, sản phẩm, cũng như quy trình sản xuất. Tuy nhiên, thật khó có thể khẳng định rằng niềm tin của người tiêu dùng vì thế mà được củng cố. Thực sự, với ngành sản xuất sữa, đây là giai đoạn cực kỳ khó khăn. Trong các phiên giao dịch gần đây nhất trên sàn Chicago, giá sữa đã giảm mạnh. Theo các chuyên gia thị trường, đây là thời điểm giá sữa giảm nhiều nhất trong vòng 36 tháng qua.

Thị trường sữa toàn cầu lao đao vì “khủng hoảng sữa bẩn” từ New Zealand, bởi đây là nơi cung cấp nguyên liệu chế biến rất nhiều loại sản phẩm từ sữa.

Trong chuỗi sản xuất toàn cầu, những cuộc khủng hoảng từ bê bối chất lượng sản phẩm, không chỉ dừng ở một doanh nghiệp, mà còn tác động cả tới một ngành hàng. Không chỉ ảnh hưởng tới tên tuổi của một doanh nghiệp, mà còn là hình ảnh của một quốc gia.

Bài học: Chữ Tín làm đầu, từ xưa tới nay vẫn không bao giờ cũ. Muốn bảo đảm chữ Tín, thì không làm ẩu, làm bừa. Có Tín, thì không tùy tiện, cẩu thả. Có Tín, thì không  chấp nhận quy trình không đạt chuẩn chất lượng. Bài học này, từ doanh nghiệp bé xíu mới khởi nghiệp, cho tới những ông khổng lồ trong các lĩnh vực sản xuất đều cần nhớ. Nếu lãng quên, hoặc cố tình không học, thì hậu quả nhãn tiền!

Nước ta, với nhiều ngành hàng sản xuất, xuất khẩu chủ lực liên quan đến nông sản, thực phẩm, sự cố của Fonterra  gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc quản lý chất lượng nông, thủy sản xuất khẩu. Với rất nhiều nỗ lực xây dựng thương hiệu cho các mặt hàng nông sản, thực phẩm, xuất khẩu tới nhiều thị trường, người tiêu dùng các nước biết đến Việt Nam qua nhiều mặt hàng đặc sắc như cà phê, hải sản, nước mắm…, nếu để xảy ra sự cố mất an toàn vệ sinh thực phẩm, bao công của sẽ đổ sông, đổ bể.

Từ bài học thương trường phải trả giá quá đắt của hãng sữa Fonterra, một lần nữa xin được nhắc lại, hậu quả không chỉ dừng ở một doanh nghiệp, mà còn cho cả một ngành hàng, thậm chí ảnh hưởng tới hình ảnh của quốc gia./.