Nghề nuôi chim yến phát triển mạnh ở Việt Nam nhưng còn thiếu định hướng, cần triển khai những giải pháp phù hợp để phát triển bền vững. Nội dung này vừa được nêu ra tại Hội thảo khoa học về “Phát triển bền vững ngành nghề yến sào Việt Nam” diễn ra sáng nay (9/6), tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Điều kiện khí hậu, thời tiết của Việt Nam rất phù hợp cho việc phát triển nghề nuôi chim yến. Cả nước hiện có hơn 5.000 nhà yến ở 36 tỉnh, thành phố từ Thanh Hóa đến Cà Mau, Phú Quốc- Kiên Giang và một số tỉnh phía Tây như Bình Phước, Đắk Lắk… Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến hiện đang phát triển tự phát.

chium_yen_gadj.jpg
Nghề nuôi chim yến hiện đang phát triển tự phát. (Ảnh minh họa: KT)
Tại hội thảo này, nhiều ý kiến cho rằng cần có các chính sách quy hoạch phát triển; khuyến khích đầu tư phát triển nuôi chim yến đảo gắn với phát triển kinh tế biển và bảo vệ quốc phòng an ninh; đào tạo cán bộ kỹ thuật quản lý và nhân lực chuyên ngành.

Ngoài ra, các địa phương nên tăng cường công tác nghiên cứu khoa học chuyên ngành; Tập trung nghiên cứu cấu trúc quần thể; đầu tư trang bị các thiết bị công nghệ; phòng trừ dịch bệnh cho chim yến; Xây dựng hệ thống tổ chức quản lý nhà nước nghề yến sào từ trung ương đến địa phương…

Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Chủ tịch HĐTV Công ty Yến sào Khánh Hòa cho rằng, cần tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước về chất lượng yến sào, truy xuất nguồn gốc; Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường trong các vùng nuôi chim yến; Xây dựng quy chế phối hợp quản lý nghề nuôi chim yến tại Việt Nam một cách đồng bộ.

“Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ đưa sản phẩm yến sào Khánh Hòa và các tỉnh duyên hải vào danh mục sản phẩm quốc gia giai đoạn 2017-2020. Điều này có ý nghĩa to lớn trong việc bảo tồn và phát huy đặc sản chất lượng cao, từng là sản phẩm đặc trưng của vùng duyên hải Việt Nam, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế”, ông Hoàng đề nghị./.