Gần 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận tín dụngTheo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhiều năm qua, mặc dù môi trường kinh doanh đã có cải thiện đáng kể, tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) chiếm tới 21% trong tổng dư nợ tín dụng, thế nhưng khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ vẫn là vốn.

Một nghiên cứu cách đây 30 năm của nhóm nghiên cứu Việt kiều Mỹ về vấn đề phát triển DNNVV tại Việt Nam cho thấy: “3 vấn đề lớn nhất cho sự phát triển của DNNVV ở Việt Nam, thứ nhất là vốn, thứ hai là vốn và thứ ba vẫn là vốn”.

Và sau 30 năm đổi mới, đến nay, mặc dù được xếp hạng thứ 29/190 quốc giavề chỉ số tiếp cận tín dụng, nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI cho rằng, đây là con số lớn, đặc biệt với doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi doanh nghiệp khởi nghiệp phần lớn là những người trẻ, sinh viên, họ không có tài sản mà chỉ có ý tưởng kinh doanh, những đối tượng này rất cần bệ đỡ nguồn vốn từ hệ thống các ngân hàng.

22_ok_yxjm.jpg
Gần 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng.

Còn theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế, thiếu vốn là chủ đề được đề cập đến nhiều nhất khi nói tới kinh tế tư nhân, DNNVV. Đây cũng là hiện tượng phổ biến ở hầu hết các nước đang phát triển và chuyển đổi.

Nguyên nhân do quy mô doanh nghiệp nhỏ, vốn ít và ít nhận được sự quan tâm của các nhà tài trợ hay tổ chức doanh nghiệp, thị trường tài chính hay ngân hàng thương mại. Trong khi để có thể phát triển được, loại hình doanh nghiệp này phải trông cậy rất nhiều vào việc vay ngân hàng để bù đắp sự thiếu hụt vốn trong kinh doanh.

Bên cạnh đó, tính hiệu quả trong hoạt động của DNVVN chưa cao, xét về quy mô, tỷ lệ thua lỗ của DNVVN và siêu nhỏ lớn hơn doanh nghiệp lớn. Ngoài ra, việc thiếu minh bạch thông tin, không có tài sản đảm bảo cũng là những yếu điểm khiến DNVVN khó tiếp cận nguồn tín dụng.

Cần chính sách gỡ khó cho doanh nghiệp 

Bài toán thiếu vốn, khó tiếp cận vốn của doanh nghiệp kéo dài từ nhiều năm nay. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, để 60% DNNVV không tiếp cận được nguồn vốn, trách nhiệm thuộc về cả “ba nhà”, đó là Nhà nước, nhà băng, các thiết chế tài chính và bản thân doanh nghiệp. 

Cụ thể, về phía Nhà nước, hiện còn nhiều khuôn khổ pháp luật chưa thật sự khơi nguồn cho đầu tư. Phía các nhà băng và thiết chế tài chính còn thờ ơ. Còn về phía doanh nghiệp, điểm yếu lớn nhất là kém minh bạch trong quản trị khiến các tổ chức tín dụng không thể có niềm tin vào doanh nghiệp. Do đó, giải pháp khơi thông nguồn vốn cho DNNVV buộc cả 3 nhà phối hợp giải quyết.

Trong bối cảnh phần lớn các DNVVN đang thiếu tài sản đảm bảo để thế chấp vay vốn ngân hàng, theo các chuyên gia, cần tạo điều kiện và mở ra các kênh huy động vốn khác cho doanh nghiệp.

TS. Cấn Văn Lực cho rằng, trong các hình thức tiếp cận vốn cho DNVVN, cần lưu ý cả những hình thức chưa được áp dụng thường xuyên, như: phát hành cổ phiếu, trái phiếu, cho vay tài chính... Theo đó, cần sớm ban hành và triển khai có hiệu quả các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật hỗ trợ DNVVN, đồng thời tăng cường vai trò của các hiệp hội doanh nghiệp trong việc hợp tác giữa các tổ chức tín dụng và các quỹ bảo lãnh tín dụng.

Đưa ra nhóm giải pháp về tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển DNNVV, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho hay, các doanh nghiệp nên chủ động tham khảo thêm nguồn lực, mô hình đầu tư của các DNNVV của các nước đang và sẽ đầu tư tại Việt Nam. 

Cùng với đó, phát triển các quỹ hỗ trợ đổi mới sáng tạo và ứng dụng công nghệ. Áp dụng chính sách thuế, hỗ trợ tài chính, tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi phù hợp với hoạt động nghiên cứu, đổi mới, hiện đại hóa công nghệ. Kết nối doanh nghiệp, ý tưởng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo với các nhà đầu tư, quỹ đầu tư…

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI  thì cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn gặp nhiều cản trở trong tiếp cận nguồn lực từ vốn, đất đai, lao động có kỹ năng cho đến gặp nhiều phiền hà trong thủ tục hành chính. Các quy định pháp luật còn phức tạp, hay thay đổi và khó dự đoán trước được. Đây cũng là vấn đề mà Chính phủ, bộ ngành nhận thấy rất rõ và cần có giải pháp để tháo gỡ. 

Trong bối cảnh đó, nhằm giúp các DNNVV gỡ khó, tạo cơ hội phát triển trở thành các doanh nghiệp lớn đúng nghĩa thì cần tạo môi trường kinh doanh công bằng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích tinh thần khởi nghiệp quốc gia. Phải có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp này theo đúng nguyên tắc của thị trường và thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại và quản lý thị trường; Phát triển quan hệ hợp tác giữa DNNVV với doanh nghiệp lớn, giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp FDI; Khuyến khích phát triển các cụm công nghiệp, các dịch vụ phát triển kinh doanh; Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức quốc tế, đặc biệt là các quỹ đầu tư quốc tế nhằm tìm kiếm nguồn vốn đầu tư tài chính cho các DNNVV tiềm năng.

“Doanh nghiệp Việt Nam phải vừa đảm bảo phát triển bền vững, vừa phải khai thác tốt cơ hội do quá trình hội nhập quốc tế mang lại, từ hàng rào thuế quan cho đến cơ hội hợp tác làm ăn với khu vực FDI đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam. Có như vậy, doanh nghiệp Việt mới đủ sức lớn mạnh và có thể vươn ra biển lớn”, ông Đậu Anh Tuấn cho hay./.