Trong số các doanh nghiệp hiện đang hoạt động tại Việt Nam, có một tỷ lệ rất lớn là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ.
Báo cáo của Tổng cục Thống kế cho thấy, cả nước có hơn 10.000 doanh nghiệp lớn, chiếm 1,9% tổng số doanh nghiệp, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm tới 74% tổng số doanh nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm 24,1%. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đa số đều là các doanh nghiệp ngoài nhà nước.
Mặc dù Việt Nam được xếp hạng thứ 29/190 quốc gia về chỉ số tiếp cận tín dụng, thế nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn có đến 60% DNNVV chưa tiếp cận được nguồn vốn.
Một số doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ khác đang hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp cũng cho biết, chưa thể tiếp cận vốn ngân hàng dù làm ăn rất uy tín và cũng là điển hình suất sắc trong khởi nghiệp tại địa phương.
Theo anh Nguyễn Thanh Lâm, chủ nhà vườn Vân Thủy (Minh Khai, Bắc Từ Liêm, Hà Nội), hoạt động từ năm 1994 nhưng từ đó đến nay, vướng mắc lớn nhất của doanh nghiệp vẫn là không thể tiếp cận vốn ngân hàng, bởi thiếu tài sản đảm bảo. Mặc dù biết đó là quy định chung nhưng anh không thể dùng uy tín, hiệu quả sản xuất kinh doanh trong nhiều năm để tạo niềm tin cho ngân hàng để được vay vốn. Vì vậy, anh không thể vay gói tín dụng với mức ưu đãi mà toàn bộ nguồn vốn kinh doanh phải vay từ các ngân hàng thương mại.
Cần vốn là vậy nhưng theo các chuyên gia, nhiều chủ doanh nghiệp nhỏ ngần ngại vay ngân hàng thậm chí không tiếp cận được vốn, vì cho rằng thủ tục phức tạp. Một số doanh nghiệp nhỏ khác không hiểu rõ quản lý tài chính nên thiếu các hoạch định kế hoạch tài chính ngắn hạn, dài hạn. Hiện tượng 2 sổ sách kế toán nhằm giảm mức thuế phải đóng cũng khiến ngân hàng ngần ngại cho vay.
Theo TS. Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, phần lớn các khoản vay của DNNVV vẫn yêu cầu tài sản đảm bảo, đặc biệt tài sản đảm bảo là bất động sản. Trong khi đó, loại hình doanh nghiệp này thường có quy mô nhỏ, nhất là các doanh nghiệp siêu nhỏ với giá trị nhà xưởng, dây chuyền sản xuất không đáng kể.
Do đó, làm sao để doanh nghiệp có tài sản làm tài sản đảm bảo, mở rộng danh mục tài sản có thể làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay tại tổ chức tín dụng, phát triển các sản phẩm cho vay không có tài sản đảm bảo phù hợp với yêu cầu về quản trị rủi ro tại tổ chức tín dụng cũng là những vấn đề cần bàn đến.
TS. Hiền cho rằng, khó khăn nội tại của nhóm doanh nghiệp này là công nghệ lạc hậu, lao động chuyên môn thấp, chi phí lớn, thiếu khung pháp lý bảo vệ doanh nghiệp. Bên cạnh đó, còn rất nhiều rào cản đó là vướng mắc về hồ sơ khi mà thông tin về doanh nghiệp chưa minh bạch; Doanh nghiệp thiếu chiến lược kinh doanh, phương án kinh doanh chưa khả thi; vướng mắc về tài sản bảo đảm; vướng mắc về lãi suất, phí dịch vụ...
Kinh tế những năm qua biến động không lường, thậm chí rơi vào thảm cảnh khó khăn khiến tình hình của doanh nghiệp sa sút, rất nhiều doanh nghiệp không trả được nợ. Nếu không được rót vốn để thực hiện các phương án kinh doanh mới thì không thể gỡ được số nợ cũ.
Trên thực tế, phía ngân hàng cũng mở ra những ưu đãi, nhưng muốn nhận ưu đãi, doanh nghiệp phải có đủ điều kiện về tài sản thế chấp, phương án kinh doanh, sổ sách kế toán, trong khi các doanh nghiệp nhỏ không đáp ứng được các điều này nên khó vẫn hoàn khó.
Trước những khó khăn của các DNNVV, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đưa ra giải pháp: “Cả 3 nhà là Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau. Các bên cần cải thiện quan hệ, không chỉ là cơ chế xin cho, mà phải là cộng sinh giữa ngân hàng-doanh nghiệp, quỹ-doanh nghiệp. Có như vậy, nút thắt thể chế, nút thắt tín dụng và nút thắt trong quản trị doanh nghiệp mới được tháo gỡ”.
Chủ tịch VCCI đề xuất, cần nới lỏng các khuôn khổ chính sách, pháp lý, khuyến khích khởi nghiệp, kích thích sáng tạo.
Về phía ngân hàng, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng, cần nỗ lực nhiều hơn trong việc đưa ra phương thức cho vay mới, những gói cho vay hướng đầu tư mạnh cho khởi nghiệp, nông nghiệp căn cứ vào ý tưởng và phương án kinh doanh. Các tổ chức tín dụng tài chính, các công ty bảo hiểm cần tương tác, bọc lót trong hướng tới hỗ trợ DNNVV.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần sự minh bạch hơn trong quản trị. Bởi tín dụng chính là niềm tin. Nếu không minh bạch, niềm tin sẽ khó đạt được. Và đó cũng chính là lý do các quỹ hỗ trợ, ngân hàng nói “không” với các DNNVV ở nước ta./.