Năm 1989, tỉnh Quảng Ngãi được tái lập từ một vùng đất thuần nông. Xác định công nghiệp hóa là con đường phát triển tất yếu, tỉnh Quảng Ngãi đã  phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của địa phương, tạo bước đột phá về  phát triển kinh tế.

quang%20ngai%201%20copy_pisu.jpgCảng biển Dung Quất- Quảng Ngãi
Một điểm nhấn quan trọng là tỉnh Quảng Ngãi đã khai thác có hiệu quả cảng nước sâu Dung Quất và xây dựng thành công Khu kinh tế Dung Quất với trái tim là Nhà máy lọc dầu. Gần một phần tư thế kỷ trôi qua, đến nay, Quảng Ngãi đã trở thành địa phương dẫn đầu khu vực miền Trung về  giá trị sản xuất công nghiệp. Dịp kỷ niệm 25 năm ngày tái lập tỉnh Quảng Ngãi (1/7/1989- 1/7/2014), địa phương này vinh dự đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh.

Năm 1989, khi mới tái lập tỉnh, giá trị công nghiệp-xây dựng của tỉnh Quảng Ngãi chỉ chiếm tỷ trọng 16%. Lúc đó, công nghiệp tỉnh Quảng Ngãi chỉ dựa vào Nhà máy đường.

Điểm nhấn quan trọng ở tỉnh Quảng Ngãi trong 25 năm qua là việc hình thành Khu kinh tế Dung Quất, với trái tim là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. Sau khi nhà máy lọc dầu đi vào vận hành vào năm 2009, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Ngãi tăng đột biến. Nếu như giai đoạn trước, giá trị công nghiệp chỉ đạt từ 1.000 đến 2.000 tỷ đồng mỗi năm,  thì đến năm 2009 đã tăng lên 7.000 tỷ đồng; năm 2010, tăng lên 17.000 tỷ đồng và  năm 2013 đạt hơn 22.000 tỷ đồng, dẫn đầu các địa phương khu vực miền Trung.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất- Khu Kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi
Giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao đã đưa tỉnh Quảng Ngãi có số thu ngân sách lọt vào Top 4 của cả nước với 30.500 tỷ đồng trong năm 2013.

Ông Đinh Văn Ngọc - Tổng giám đốc Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cho rằng: Để đạt được những thành quả này, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ đã phát huy tối đa những tiềm năng, lợi thế của địa phương tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp.

“Trước tiên tôi muốn nói là việc đặt nhà máy ở đây là hoàn toàn đúng đắn của Đảng và Chính phủ. Từ khi nhà máy đi vào hoạt động đã mang lại lợi ích rất to lớn kinh tế xã hội. Tính doanh thu thuần đến nay đạt 470.000 tỷ và nộp ngân sách 71.000 tỷ. Qua những con số đó cho chúng ta thấy Nhà máy Lọc dầu cho tỉnh, khu vực miền trung và đất nước là vô cùng to lớn”- ông Đinh Văn Ngọc quả quyết.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất nhìn từ trên cao
Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ra đời kéo theo hàng loạt các dự án khác đầu tư vào khu kinh tế Dung Quất. Sản phẩm từ các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã từng bước khẳng định được vị thế ở các thị trường trong và ngoài nước. Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ ngành trung ương và mời gọi nhiều dự án lớn đến với Quảng Ngãi. Điển hình như dự án Khu liên hợp công nghiệp-đô thị và  dịch vụ VSIP Quảng Ngãi đã thu hút  5 doanh nghiệp đăng ký đầu tư. Dự kiến cuối năm nay các nhà máy đi vào hoạt động, sẽ góp phần tăng  mạnh giá trị công nghiệp và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động ở tỉnh Quảng Ngãi.

“Có thể nói rằng việc khởi công dự án Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi đã mở ra một khả năng mới cho tỉnh về phát triển công nghiệp nhẹ, công nghiệp phụ trợ. Và chúng ta thấy rằng với kinh nghiệm của VSIP thành công tại các tỉnh thành rồi thì họ đến Quảng Ngãi sẽ thành công nhân đôi. Bởi lẽ họ có kinh nghiệm rồi nên tôi cho rằng VSIP là một nhân tố mới của công nghiệp Quảng Ngãi”- ông Phạm Như Sô- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng  Ngãi khẳng định.

Đúng một phần tư thế kỷ trôi qua, tỉnh Quảng Ngãi  đã tạo nên nhiều dấu ấn quan trọng trên hành trình đi tới. Mới đây, dự án Nhà máy Nhiệt điện của Tập đoàn Sembcorp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung; rồi Dự án mở rộng nhà máy lọc dầu Dung Quất lên 10 triệu tấn/năm đã được Chính phủ Việt Nam và Nga ký biên bản đầu tư... càng tiếp thêm sức mạnh cho địa phương này sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại của khu vực miền Trung./.