Trong khuôn khổ Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019, chiều nay (10/3), UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp Bộ NN&PTNT, Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.
Theo Cục Trồng trọt, diện tích cà phê Việt Nam đạt trên 664.000 ha, sản lượng cà phê đạt trên 1,5 triệu tấn nhân/năm; cà phê Robusta chiếm diện tích lớn (93%), còn lại là cà phê Arabica. Cà phê Việt Nam được xuất khẩu sang trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Năm 2018, Việt Nam xuất khẩu 1,9 triệu tấn với kim ngạch xuất khẩu đạt 3,5 tỷ USD, chiếm 14% thị phần và hơn 10% giá trị cà phê nhân xuất khẩu toàn cầu, đứng thứ 2 sau Brazil.
Mặc dù là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao trong nhóm hàng nông sản của Việt Nam, nhưng tốc độ tăng trưởng kim ngạch giai đoạn (2013-2017) chỉ ở mức bình quân 6,57%/năm. Nguyên nhân chủ yếu là chịu nhiều biến động của thị trường cà phê thế giới, ít sản phẩm đạt giá trị gia tăng cao, xuất khẩu cà phê nhân chiếm tỷ trọng lớn.
Chuyên gia nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản. |
Tại hội thi cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019 vừa được trao giải, đã có 25/42 mẫu đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản. Ông Trịnh Đức Minh, Chủ tịch Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng, tuy bước vào thị trường cà phê đặc sản khá muộn nhưng việc phát triển cà phê đặc sản ăn sẽ sẽ góp phần nâng tầm thương hiệu cho cà phê Việt Nam, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người trồng cà phê.
“Cà phê Việt Nam gia nhập thị trường muộn nhưng học tập được kinh nghiệm, từ đó có hướng sản xuất, chế biến cà phê đặc sản theo đúng chuẩn mực thị trường cà phê đặc sản. Điều này tạo động lực cho những người sản xuất, phát triển cà phê có chất lượng cao bởi và có giá cao hơn ở mức cà phê đặc sản. Cà phê đặc sản sẽ nâng chất lượng cà phê của Việt Nam lên một nấc thang mới”, ông Minh cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm trong phát triển cà phê đặc sản, các chuyên gia quốc tế cho rằng, để nâng cao giá trị cà phê, Việt Nam cần quan tâm đến chất lượng bền vững hơn là gia tăng sản lượng. Xa hơn nữa là hướng tới phát triển thị trường cà phê đặc sản.
Ông Adi Taroepratjeka, chuyên gia về đánh giá cà phê đặc sản đến từ Indonesia cho rằng, Việt Nam có đủ các điều kiện để phát triển cà phê đặc sản. Tuy nhiên, đừng quá đễ dãi trong việc gắn nhãn mác cà phê đặc sản, cần phải có các tiêu chí cụ thể theo bộ quy tắc cà phê đặc sản, của tổ chức cà phê đặc sản quốc tế ban hành và được cộng đồng cà phê đặc sản thế giới áp dụng.
“Việt Nam đã rất nỗ lực để phát triển cà phê đặc sản. Do vậy cần đảm bảo rằng những hạt cà phê phải thực sự là đặc sản, có điểm số trên 80 và không bị lỗi. Việt Nam cần giữ nét tuyệt hảo, nét đẹp riêng của cà phê Việt Nam, đừng lạm phát nhãn cà phê đặc sản ở khắp nơi, khi đó sẽ phá hủy cơ hội phát triển cà phê đặc sản và ảnh hướng đến tất cả mọi người trong chuỗi này”, ông Adi Taroepratjeka tư vấn.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh, cà phê là một trong những sản phẩm chủ lực Quốc gia, Chính phủ và các địa phương đã có nhiều chính sách ưu đãi cho ngành hàng cà phê phát triển. Trong thời gian tới, các địa phương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là cần có gói kỹ thuật đồng bộ; quyết liệt việc quản lý việc trồng xen trong vườn cà phê; đẩy mạnh chương trình chứng nhận; chú trọng chế biến sâu để tận dụng cơ hội trong hội nhập kinh tế quốc tế…
Về phát triển cà phê đặc sản, các địa phương cần quan tâm đến vùng miền, giống, quy trình canh tác... Cục Chế biến thương mại (Bộ NN&PTNT) cần tham khảo các chuyên gia nước ngoài để sớm triển khai xây dựng một chương trình phát triển cà phê đặc sản Việt Nam./.
Phát động cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam 2019“