Forbes trích dẫn thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, nền kinh tế châu Âu sẽ phục hồi, còn một số quốc gia châu Á sẽ tụt lùi do nguồn tài nguyên đang cạn kiệt.

Theo IMF, kinh tế thế giới năm 2016 sẽ tăng trưởng 3,6%, trong khi lạm phát sẽ ở ngưỡng 3,1%. Các nền kinh tế tiến bộ và các thị trường mới nổi đóng góp phần lớn vào sự tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.

tang_truong_kt_psyc.jpg
Dự báo của IMF về tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 và 2017 và so sánh với 5 năm vừa qua.

Đề cập đến triển vọng kinh tế ở châu Á, IMF cho rằng rất khó dự đoán về Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bởi không ai có thể biết chính xác những gì đang diễn ra bên trong “gã khổng lồ” này. Nhưng có một điều dễ nhận thấy là tổng cầu ở quốc gia này đang suy yếu, nguồn vốn nước ngoài cũng đang chậm lại.

Bên cạnh đó, kinh tế Nhật Bản cũng có dấu hiệu suy thoái mặc dù tỷ lệ thất nghiệp ở nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới này vẫn duy trì ở mức thấp.

Trong khu vực châu Á, Ấn Độ được coi là điểm sáng khi tăng trưởng GDP luôn duy trì ở mức cao, vốn ngoại tăng, tổng cầu có xu hướng đi lên.

Biểu đồ miêu tả sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu theo các nhóm quốc gia. (Đường màu vàng là nhóm nước phát triển, đường màu xanh là nhóm các nước đang phát triển, đường màu đỏ là nhóm các nước đang thời kỳ chuyển đổi, còn đường màu nâu là mức trung bình của thế giới).

Theo đánh giá của Liên hợp quốc (UN), kinh tế thế giới sẽ tăng trưởng ở mức 2,9% trong năm 2016 và sẽ vọt lên mức 3,2% trong năm tiếp theo. Điều đáng chú ý là nhóm các nước phát triển sẽ tăng trưởng cao hơn mức trung bình của thế giới, ước đạt 4,3% và 4,8% trong năm 2016 và 2017.

Cùng với dự báo kinh tế giảm tốc ở một số quốc gia lớn như Nhật Bản, Trung Quốc…, Liên hợp quốc cũng bày tỏ lo ngại về các yếu tố ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu như năng lượng, môi trường, năng suất lao động… Tổ chức này cho rằng, giá dầu hiện ở mức thấp sẽ ảnh hưởng rất lớn tới giá cả hàng hóa, dịch vụ, và là một trong nhứng nguyên nhân chính dẫn đến lạm phát thấp.

Tờ báo Anh Telegraph trích dẫn đánh giá của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế thế giới (OECD) cho rằng, kinh tế thế giới trên đà suy giảm. Trong năm 2016, OECD dự báo kinh tế thế giới tăng trưởng 3,3% trong khi cách đây vài tháng, tốc độ tăng trưởng này được dự báo ở mức 3,6%.

Theo nhận xét của Tổng thư ký của OECD, mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2016 thực sự đáng thất vọng. Điều đó đồng nghĩa với việc 10 năm sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu gần nhất, kinh tế thế giới vẫn chưa lấy lại được đà tăng trưởng trước khủng hoảng. Vị này phân tích: mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu như trên là rất thấp nếu tính đến bối cảnh chính sách đang rất hỗ trợ cho nền kinh tế, đầu tư, giá dầu thấp và tình hình thị trường lao động cải thiện.

PWC nhận định, tăng trưởng GDP toàn cầu ước đạt khoảng 3,5% trong năm 2016, trong khi lạm phát sẽ tăng từ 1,9% trong năm 2015 lên 2,5% vào năm 2016, và con số này sẽ duy trì ở mức ổn định trong giai đoạn 2017 - 2021.

Theo PWC, các cường quốc như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Anh vẫn là những quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới với mức tăng trưởng GDP tương ứng là 2,8%, 6,5%, 1,3% và 2,4%. So với năm 2015, Mỹ và Nhật Bản có xu hướng tăng trưởng đi lên, trong khi Anh giữ nguyên, còn Trung Quốc thì giảm tốc.

Bảng thống kê tăng trưởng GDP và mức lạm phát trung bình toàn cầu và một số quốc gia tiêu biểu trên thế giới trong năm 2016, giai đoạn 2017 – 2021 trong mối tương quan với số liệu của các năm 2014 và 2015.

Bước sang năm 2016, PWC cho rằng, khối đồng tiền chung châu Âu (Euzone) sẽ có mức tăng trưởng khả quan hơn, dao động trong khoảng 1,6%, tăng hơn năm vừa qua. Lạm phát ở khối này sẽ có mức tăng đáng kể, từ 0,1% năm 2015 leenn 1,1% trong năm 2016 và dự báo sẽ lên đến 1,4% trong 5 năm tiếp theo.

Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng toàn cầu trong năm 2016 và 2017 lần lượt là 3,3% và 3,2%. Ngân hàng này đã cắt giảm triển vọng tăng trưởng toàn cầu do các thị trường phát triển phải đối mặt với một loạt trở ngại từ giá hàng hóa thấp cho đến triển vọng chi phí vay mượn cao.

Ngân hàng này cho biết, đà sụt giảm của giá dầu và các loại hàng hóa khác đã khiến tình trạng giảm tốc tại một số quốc gia đang phát triển trầm trọng thêm vì các quốc gia này phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu tài nguyên.

Tuy nhiên WB lại khá lạc quan về tăng trưởng kinh tế ở khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá trong năm nay. Đối với Việt Nam, WB cho rằng mức tăng trưởng có khả năng tịnh tiến dần lên 6,5% vào năm 2016 và 2017 nhờ triển vọng phát triển mạnh mẽ của ngành chế tạo, xuất khẩu và đầu tư nước ngoài./.