Việt Nam được đánh giá là một trong những nền kinh tế mới nổi có sức hút nhất trong năm 2015, theo một báo cáo mới đây của Coface.
Trong báo cáo vừa công bố hôm nay (27/1), Hãng bảo hiểm tín dụng xuất khẩu hàng đầu của Pháp (Coface) xếp Việt Nam và Sri Lanka là hai điểm sáng tích cực đáng chú ý nhất về môi trường kinh doanh và đầu tư trong năm 2015.
Trong phần nhận xét về Việt Nam, báo cáo của Coface nhận định: “Việt Nam đã phá vỡ được vòng luẩn quẩn của một nền kinh tế mới nổi phát triển quá nóng khi tăng trưởng dựa trên bùng nổ tín dụng. Từ 3 năm nay, đồng tiền Việt Nam đã không có sự mất giá đáng kể nào. Lạm phát đã được đưa trở lại mức 9,1% năm 2012 và 5,2% năm 2014. Nền kinh tế Việt Nam đã được đa dạng hóa và nâng cao chất lượng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài gia tăng. Việt Nam giờ đã chuyển biến thành một điểm hút đối với các hãng điện tử Hàn Quốc. Đất nước này đang sản xuất những máy tính bảng và điện thoại thông minh cho Samsung. Triển vọng tăng trưởng là rất tốt”.
Ngược lại, Coface đánh giá 2015 sẽ là năm có nhiều rủi ro với môi trường đầu tư tại Tây Âu, bất chấp việc nền kinh tế của khu vực này đã có dấu hiệu tương đối rõ rệt về việc thoát ra khỏi khủng hoảng, khi GDP của khu vực sử dụng đồng Euro dự tính tăng 1,2% năm 2015, so với 0,8% năm 2014 và - 0,4% năm 2013.
Nguyên nhân chính được cho là việc các nhà đầu tư vẫn chưa có niềm tin đầy đủ với khu vực này sau các biến động chính trị nội bộ, trong đó có kịch bản Hy Lạp có thể vỡ nợ và buộc phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng Euro.
Một nguyên do khác là các cải cách được thực hiện ở nhiều nền kinh tế lớn trong khu vực như Pháp, Tây Ban Nha hay Italia được cho là chưa quyết liệt và thiếu hiệu quả.
Với các nền kinh tế thuộc khối BRICS như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc, Nam Phi, dự đoán tăng trưởng sẽ chậm lại, đặc biệt là tại Nga, Trung Quốc và Brazil bởi các nước này đang bắt đầu phải tiến hành những cải cách khó khăn mang tính cấu trúc của nền kinh tế./.