Sáng 29/12, phát biểu tại hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2018, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, chỉ tiêu xuất, nhập khẩu hàng hóa với con số 400 tỷ USD tổng kim ngạch đạt được trong năm 2017. Xuất, nhập khẩu đạt được tốc độ tăng trưởng 21,1%, gấp 3 lần so với chỉ tiêu kế hoạch.

xuat_khau_thuy_san_pacw.jpg
Ảnh minh họa: KT

Đi sâu phân tích nguyên nhân đạt được các kết quả này, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nguyên nhân quan trọng nhất là việc chúng ta đã chủ động bám sát diễn biến, bối cảnh thị trường trong và ngoài nước để kịp thời chỉ đạo, điều hành linh hoạt, từ chính sách đến công tác tháo gỡ khó khăn cho từng ngành, từng lĩnh vực và doanh nghiệp.

Để có được kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động xuất, nhập khẩu trong năm 2017, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, phải kể đến công tác đối ngoại, hội nhập với sự chủ động, kiên quyết của Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp. Trong năm qua, xu hướng bảo hộ mậu dịch của các đối tác quốc tế có chiều hướng gia tăng, đã gây ra nhiều rào cản đối với doanh nghiệp trong nước.

“Qua công tác đối ngoại cấp cao, Chính phủ đã từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ giải quyết các tranh chấp thương mại tại thị trường quốc tế để thúc đẩy xuất nhập khẩu của các ngành hàng, doanh nghiệp trong nước” – Bộ trưởng nói.

Cùng với đó, ở trong nước, các doanh nghiệp cũng nhận được nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành hàng xuất khẩu có thế mạnh của Việt Nam, như: Gỗ, da giày, dệt may, công nghiệp chế biến, chế tạo…Điều này, không chỉ giúp tháo gỡ khó khăn mà còn tạo được niềm tin cho cộng đồng doanh nghiệp.

Việc khai thác thị trường xuất, nhập khẩu mới cũng được người đứng đầu ngành Công Thương nêu ra như một trong những giải pháp rất hữu hiệu trong năm 2017, đóng góp quan trọng vào thành tích xuất, nhập khẩu của cả nước. Bên cạnh việc duy trì ổn định hoạt động ngoại thương với những thị trường truyền thống, chúng ta đã tận dụng tối đa cơ hội đến từ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương để mở nhiều thị trường mới cho hàng hóa Việt Nam, nhất là những mặt hàng chúng ta có thế mạnh mà kết quả cụ thể là đã tăng thêm 3 thị trường xuất khẩu đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD, đưa tổng số thị trường có kim ngạch từ 1 tỷ USD từ 26 lên 29 trong năm 2017.

Nói về nhiệm vụ trong năm 2018, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, từ Trung ương đến địa phương, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn công tác cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện thể chế, hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh và xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng, cần đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, tái cơ cấu ngành và doanh nghiệp Nhà nước, trong đó, phải lấy tiêu chí về năng lực cạnh tranh, khả năng tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu và hiệu quả trong đầu tư làm thước đo cuối cùng; đẩy mạnh công tác quản lý và phát triển thị trường trong nước, đấu tranh phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại.

Bộ trưởng cho biết: “Lực lượng Quản lý thị trường với mô hình tổ chức, quản lý mới theo chiều dọc sẽ cùng với các lực lượng chức năng khác tăng cường công tác kiểm tra, đấu tranh với những hành vi gian lận thương mại”.

Và cuối cùng, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, là đẩy mạnh công tác hội nhập quốc tế bằng những giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến trình đàm phán, ký kết, phê duyệt các hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các nước để tạo dư địa mới cho hàng hóa Việt Nam vươn ra thị trường thế giới. Trong quá trình thực hiện các cam kết hội nhập, cần có sự phối hợp hiệu quả giữa các Bộ, ngành thông qua các chương trình hành động cụ thể theo chỉ đạo của Chính phủ./.