Phiên giao dịch ngày 28/1, thị trường chứng khoán có một phiên giảm điểm kỷ lục trong lịch sử. Áp lực bán tháo diễn ra trên khắp thị trường, giá giao dịch của các cổ phiếu hầu hết giảm sàn với lượng dư bán lớn. Tuy nhiên, thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường (cả 3 sàn) đạt 21.177 tỷ đồng.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 28/1, VN-Index chính thức mất 73,23 điểm (-6,67%), lùi về mốc 1.023,94 điểm với thanh khoản 15.746 tỷ đồng. Đây là phiên có tỉ lệ giảm mạnh nhất kể từ khi thị trường chứng khoán đi vào hoạt động trong 20 năm qua, giảm mạnh hơn cả lúc bị ảnh hưởng do khủng hoảng tài chính, chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Đồng thời, VN-Index cũng xác lập tỉ lệ giảm mạnh nhất thế giới với 479 mã đỏ, trong đó 385 mã sàn, 12 mã đứng giá và 19 mã tăng điểm.

Ở phiên giao dịch ngày 28/1, có hơn 500 mã chứng khoán của các doanh nghiệp từ nhỏ đến lớn đều bị rớt xuống giá sàn. Có thời điểm tất cả thành viên rổ VN30, 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn chứng khoán đều giảm sàn, trắng bên mua.

HNX-Index kết phiên tại 203,05 điểm, giảm 17,74 điểm (-8,03%) với thanh khoản 1.632 tỷ đồng.

Trái với diễn biến ồ ạt xả hàng của nhà đầu tư trong nước khiến thị trường chứng kiến phiên giao dịch thảm họa khi VN-Index bốc hơi hơn 73 điểm, xác lập mức giảm kỷ lục nhất từ trước đến nay, khối ngoại đã có phiên mua ròng tích cực với giá trị lên tới 575,63 tỷ đồng. Tính chung trên toàn thị trường trong phiên 28/1, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 21,54 triệu đơn vị, trong khi phiên ngày 27/1 bán ròng 0,94 triệu đơn vị.

Theo các chuyên gia đến từ Công ty cổ phần chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (VNCSI), lại có thêm một phiên giao dịch mất ngủ nữa đối với nhà đầu tư. Chỉ cách đây một tháng, nhóm cổ phiếu chứng khoán đem về quả ngọt cho nhà đầu tư thì những phiên gần đây lại đem nhiều “đau thương” nhất.

“Chỉ với 2 phiên giảm sâu gần đây, VN-Index đã bốc hơi toàn bộ thành quả đạt được từ đầu năm. Không phải là những phiên giảm điểm với biên độ nhỏ, thị trường đang đi xuống với một tốc độ chóng mặt và cơn hoảng loạn này dường như chưa có dấu hiệu chấm dứt”, VNCSI nhận định.

Theo Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC), rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu. Tuy nhiên, theo quan sát, thị trường chung và nhiều nhóm cổ phiếu đã bắt đầu đi vào trạng thái quá bán sau các phiên sụt giảm mạnh liên tiếp của VN-Index.

Điều này được kỳ vọng sẽ giúp chỉ số sớm xuất hiện phản ứng hồi phục tăng điểm trở lại khi tiếp cận vùng hỗ trợ 1065-1085 điểm trong một vài phiên kế tiếp. Thông tin kết quả kinh doanh quý 4/2020 sẽ không còn tác động nhiều đến diễn biến thị trường.

Chia sẻ trên báo Tuổi trẻ, ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc môi giới hội sở, Mirae Asset cho rằng, nhà đầu tư nên giảm tỉ trọng nắm giữ cổ phiếu trong những phiên hồi sắp tới, hạn chế bán ở vùng giá thấp.

Trường hợp dùng đòn bẩy cao, có thể xoay thêm bên ngoài để đắp vào, đưa tỉ lệ về mức an toàn tránh bị bán giải chấp, hoặc tận dụng đợt hồi để giảm tỉ trọng.

Các vị thế an toàn hơn như không vay kí quỹ và có lợi nhuận đệm dày (từ 40-50% trở lên) thì tâm lý thoải mái hơn, bình tĩnh xử lý danh mục theo hướng tận dụng các phiên hồi và đưa tỉ trọng về quanh 40 - 60% cổ phiếu, chờ thị trường tái tạo xu hướng khi nương theo những diễn biến vĩ mô.

Riêng nhà đầu tư đang có tỉ trọng tiền mặt lớn từ 70-80% trở lên có thể tận dụng giai đoạn này để gia tăng danh mục cổ phiếu, và ưu tiên nhóm có vốn hóa lớn, vì đây là nhóm phục hồi đầu tiên khi thị trường cân bằng./.