Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 diễn ra ngày 8/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú đã trả lời phỏng vấn của giới báo chí về một số nội dung liên quan đến Hội nghị này và một số nội dung liên quan đến việc hình thành cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015. Phóng viên VOV online ghi lại nội dung cuộc phỏng vấn này.

PV: Xin Thứ trưởng cho biết nội dung chính của Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 vừa diễn ra hôm nay (8/3), tại Hà Nội?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 19 vừa diễn ra hôm nay tại Hà Nội là một hoạt động thường niên của ASEAN. Nhưng năm nay, các Bộ trưởng xem xét nhiều vấn đề quan trọng trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015.

anhtua1.jpg
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú trả lời phỏng vấn bên lề Hội nghị AEM 19

Tại hội nghị này, các Bộ trưởng đánh giá nhiều vấn đề quan trọng. Trước hết là đánh giá lại tình hình hợp tác kinh tế của các nước ASEAN năm 2012 và trên cơ sở đó xác định định hướng quan trọng cho hợp tác kinh tế của các nước ASEAN năm 2013, hướng tới xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015. Đặc biệt, các bộ trưởng đã xem xét một số các mục tiêu quan trọng để tập trung nguồn lực giải quyết trong năm 2013.

Về một số nội dung cụ thể, các Bộ trưởng đã xem xét một số sáng kiến trong khuôn khổ ASEAN về phát triển đồng đều, kết nối con người, kết nối thể chế của ASEAN, bao gồm những sáng kiến về tăng cường khả năng cạnh tranh của ASEAN, tăng cường kết nối của ASEAN và các đối tác; xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN, xây dựng năng lực kinh doanh cho các doanh nhân trẻ; các cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại ASEAN.

Các Bộ trưởng cũng đã thông qua được tài liệu cơ sở để chuẩn bị cho việc thực hiện đàm phán Hiệp định về đối tác kinh tế toàn diện ASEAN (thường gọi là RCEP).

PV: Được biết, có hai Nghị định sửa đổi tạo thuận lợi cho đầu tư và thương mại nội khối ASEAN đã được ký kết, cùng với các sáng kiến quan trọng được đưa ra và thống nhất thực hiện nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế trong khu vực, tiến tới thiết lập cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015. Vậy xin Thứ trưởng nói rõ hơn về các nội dung này?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Các Bộ trưởng đã thực hiện ký kết các văn kiện quan trọng gồm: Nghị định thư sửa đổi một số Hiệp định kinh tế ASEAN liên quan đến thương mại hàng hóa và Nghị định thư sửa đổi Hiệp định đầu tư toàn diện ASEAN. Đây là các nội dung làm cho việc thực hiện các Hiệp định kinh tế, Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN được thuận lợi hơn, tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp.

Đặc biệt, trong hội nghị hôm nay, các Bộ trưởng đã xem xét đến một sáng kiến hết sức quan trọng, có tính tiên phong của các nước ASEAN, thể hiện vai trò trung tâm của các nước ASEAN cũng như tính dẫn dắt của các nước ASEAN trong việc hình thành nên cấu trúc kinh tế khu vực, đó là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN (thường gọi là RCEP).

Các Bộ trưởng cũng đã thông qua được tài liệu cơ sở để chuẩn bị cho việc thực hiện đàm phán Hiệp định RCEP. Nếu đúng như dự kiến của các Bộ trưởng, đàm phán Hiệp định RCEP sẽ được thực hiện từ 2013 và kết thúc vào 2016. Nếu được ký kết, Hiệp định này sẽ hình thành một khu vực mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, với số dân chiếm khoảng 50% dân số thế giới và GDP chiếm khoảng 30% GDP thế giới.

PV: Liên quan đến việc hình thành cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015, một trong những thách thức lớn là việc hài hòa hóa các thủ tục? Vậy ASEAN đã làm gì để giải quyết những thách thức đó, thưa Thứ trưởng?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Đúng. Việc hài hòa hóa thủ tục là vấn đề rất khó khăn với các nước ASEAN. Bởi vì các quốc gia ASEAN có một nền tảng về chính trị, văn hóa, xã hội rất khác nhau, có xuất phát điểm rất khác nhau về kinh tế. Đến nay, trình độ phát triển kinh tế các nước ASEAN cũng rất khác nhau, đặc biệt là ASEAN 6 và các nước gia nhập sau là Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar. Các lý do này khiến việc hài hòa hóa thủ tục là rất cần thiết, nhưng rất khó khăn đối với các nước ASEAN.

Tuy nhiên, những năm vừa qua, các nước ASEAN đã làm được rất nhiều việc. Chẳng hạn, về vấn đề hải quan, trong năm 2012, các nước ASEAN đã ký kết Hiệp định Hải quan mới, thay thế Hiệp định Hải quan đã ký kết từ 1997 và thực hiện cho tới nay.

Các nước ASEAN cũng đã tích cực thực hiện sáng kiến về cơ chế hải quan một cửa ASEAN. Hiện nay, các nước đang tích cực thực hiện cơ chế hải quan một cửa tại từng nước để tiến tới việc hài hòa hóa với nhau và sẽ xây dựng cơ chế hải quan một cửa ASEAN. Đây là một cơ chế làm cho việc kinh doanh thương mại giữa các nước ASEAN được thuận lợi hơn thông qua việc truyền tải thông tin, dữ liệu cần thiết qua mạng điện tử giữa các nước với nhau.

Không những thế, các nước ASEAN đã xây dựng chiến lược hải quan chung trong giai đoạn 2011-2015.

PV: Xin Thứ trưởng lấy ví dụ cụ thể về một số việc mà ASEAN đã làm để giải quyết những thách thức về lộ trình hài hòa hóa thủ tục ASEAN ?

Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú: Thời gian vừa qua, ASEAN đang tiến hành thực hiện sáng kiến về việc tự chứng nhận của các doanh nghiệp. Hiện nay, các nước đang thực hiện thí điểm vấn đề này để trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, đồng thời hoàn thiện thể chế trong nước của mình, từng bước xây dựng thể chế phối hợp giữa các nước trong ASEAN.

Hay như vấn đề về tiêu chuẩn sản phẩm, các nước ASEAN đang cố gắng hài hòa tiêu chuẩn của 12 nhóm sản phẩm ưu tiên, thông qua việc kí kết các thỏa thuận công nhận lẫn nhau trong các lĩnh vực như: điện – điện tử; dược phẩm; sản phẩm nông nghiệp; ô tô… Đồng thời, các nước ASEAN cũng xây dựng một cơ chế quản lý chung như chúng ta đã làm được trong lĩnh vực mỹ phẩm, điện – điện tử. Hiện các nước ASEAN đang tiếp tục thực hiện trong những lĩnh vực khác như lĩnh vực thiết bị y tế, thuốc cổ truyền dân tộc, dinh dưỡng bổ sung…

Gần đây các nước ASEAN cũng hết sức quan tâm và dành nhiều thời gian thảo luận các vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm. Cụ thể, các nước đã xây dựng được một chương trình hành động chung trong các năm từ 2011 – 2015 và đang tích cực triển khai thực hiện.

Đối với các doanh nghiệp, họ sẽ là những người thực hiện trực tiếp các thỏa thuận của ASEAN, đem lại những kết quả cuối cùng trong việc hợp tác kinh tế ASEAN. Cho nên các Bộ trưởng kinh tế ASEAN luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các doanh nghiệp. Trong Hội nghị lần này có rất nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến các doanh nghiệp. Ví dụ như việc xây dựng mạng lưới kinh doanh ASEAN; xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ; nâng cao năng lực của các doanh nhân trẻ…/.

PV: Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!