Chiều nay (8/3), tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), với sự hỗ trợ của Bộ Công thương và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức cuộc gặp gỡ doanh nghiệp với chủ đề “Cơ hội hợp tác thương mại và đầu tư giữa ASEAN và EU”. 
ogloc1nd.jpg
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI khai mạc cuộc gặp gỡ DN ASEAN - EU

Đây là hoạt động bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN – EU lần thứ 3, với mục tiêu tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác thiết thực giữa cộng đồng doanh nghiệp hai khu vực. Cuộc gặp gỡ này đã thu hút hàng trăm doanh nghiệp đến từ các nước trong khối ASEAN và các doanh nghiệp EU có quan hệ hợp tác đầu tư tại ASEAN.

Khai mạc cuộc gặp gỡ, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh: Đây là một sự khởi đầu cho Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh ASEAN – EU lần thứ 3, để cập nhật những hoạt động, cơ hội, tiềm năng về thương mại và đầu tư giữa 2 khu vực. ASEAN và EU là 2 khu vực kinh tế năng động trên thế giới. ASEAN có trên 600 triệu dân, là một cộng đồng rất năng động, với mức tăng trưởng hằng năm khoảng 5,5%. Đồng thời, ASEAN là đối tác lâu đời của EU, với 10% kim ngạch xuất khẩu của ASEAN đến EU và 9% kim ngạch nhập khẩu của ASEAN đến từ EU.

Các đàm phán về Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và các nước thành viên ASEAN đã đạt được những tiến bộ nhất định. Trong đó, Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Singapore gần đây là một điều kiện tốt cho các hoạt động thương mại và đầu tư giữa hai khu vực trong tương lai, vì 30% thương mại ASEAN và EU thông qua cửa ngõ Singapore. Với sự tham dự của số lượng rất lớn các doanh nghiệp đến từ các nước ASEAN và EU tại cuộc gặp gỡ hôm nay, ông Vũ Tiến Lộc khẳng định: Điều này thể hiện mối quan tâm ngày càng lớn từ cộng đồng doanh nghiệp đối với việc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa ASEAN và EU. Sự kiện này sẽ giúp các doanh nghiệp có mặt tại đây nắm bắt cơ hội để có thể hợp tác đầu tư, thương mại, kinh doanh trong tương lai.

Tại cuộc gặp gỡ này, các diễn giả đến từ nhiều quốc gia đã tập trung giới thiệu những điểm đến đầu tư mới nổi trong khối ASEAN cũng như các lĩnh vực kinh tế có thế mạnh trong khu vực và các ngành có tiềm năng hợp tác giữa ASEAN và EU; đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp Việt Nam gặp gỡ trực tiếp với các doanh nghiệp ASEAN cũng như EU để trao đổi về các cơ hội hợp tác cụ thể, nắm bắt tiềm năng hợp tác và đầu tư mới.

Hàng trăm doanh nghiệp từ EU và ASEAN tham dự và thảo luận nhiều vấn đề quan trọng

Nhiều nội dung quan trọng liên quan đến cơ hội, thách thức về thương mại, đầu tư giữa ASEAN và EU được các diễn giả, đại diện các doanh nghiệp đến từ 2 khu vực chia sẻ. Trong đó, các đại biểu nhấn mạnh đến việc song song với tăng cường hợp tác cùng phát triển về kinh tế, các doanh nghiệp cần thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Với tinh thần đó, việc hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ thực hiện trách nhiệm xã hội là đặc biệt quan trọng. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng phải quan tâm đến thế hệ kế cận – một phần trách nhiệm của doanh nghiệp; và hoạt động kinh doanh phải gắn với trách nhiệm vì cộng đồng, lợi nhuận không phải là mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp.

Một số triển vọng đầu tư cụ thể được nêu ra tại cuộc gặp gỡ này, như: Triển vọng phát triển đầu tư trong khu vực các quốc gia tiểu vùng sông Mekong (GMS) được củng cố trên cơ sở các quốc gia GMS đã bước vào ngưỡng cửa phát triển nhanh chóng về đầu tư nước ngoài. Hơn nữa, hợp tác sẽ bổ sung công nghiệp cao trong khu vực GMS là một tiền đề cơ bản cho môi trường đầu tư thuận lợi. Trong đó, chẳng hạn như Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar có nền tảng công nghiệp yếu, thị trường tiềm năng lớn và đà phát triển mạnh, cần một số lượng lớn các sản phẩm thép, máy móc, thiết bị điện, thuốc, quần áo và nhu cầu thiết yếu hằng ngày.

Bên cạnh đó, việc thành lập các hành lang kinh tế chiến lược cơ bản sẽ là một tiền đề quan trọng nhằm giúp tối đa hóa tiềm năng kinh tế GMS. Vận tải hàng hóa hiệu quả cao và hệ thống logistics sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy con người và hàng hóa, dịch vụ liên tục.

Đặc biệt, các đại biểu cho rằng, giữa ASEAN và EU có nhiều tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư về: hạ tầng, công nghệ thông tin, viễn thông, nông nghiệp, công nghiệp ô tô, dịch vụ tài chính, dược, y tế... Còn về hợp tác thương mại, các doanh nghiệp đánh giá cao tiềm năng về lĩnh vực da giày, nông sản, thủy sản,...

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, các đại biểu cũng nêu ra một số trở ngại trong hợp tác đầu tư, thương mại ASEAN- EU. Đó là một số quốc gia thành viên trong khu vực ASEAN có tốc độ tăng trưởng thấp hơn về mặt pháp lý, còn thiếu sự nhất quán giữa các nước trong khu vực, đặc biệt là việc thực thi luật ở nhiều thị trường còn hạn chế; nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến các rào cản trong thương mại, các tiêu chuẩn sản phẩm hàng hóa xuất-nhập khẩu... ..../.