Từ ý tưởng ban đầu thiết lập một khu vực thương mại tự do (FTA), ASEAN đã và đang hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường thống nhất, một cơ sở sản xuất chung mang tính khu vực dựa trên sự hài hòa về chính sách và liên kết chặt chẽ giữa các ngành kinh tế.

Năm 2003, các Nhà Lãnh đạo ASEAN đã nhất trí thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 bao gồm ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị-An ninh ASEAN (APSC), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN (ASCC). Năm 2007, các Nhà Lãnh đạo ASEAN tái khẳng định cam kết này với quyết tâm đạt được Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015.

11botruongkinhteasean.jpg
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 44 (AEM 44) và các hội nghị liên quan đã diễn ra từ ngày 26-31/8/2012 tại Campuchia (Ảnh: nciec)

Ý tưởng Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành trên cơ sở tầm nhìn về một cơ sở sản xuất và thị trường chung của các nước ASEAN thông qua tự do hóa di chuyển hàng hoá, dịch vụ, đầu tư và lao động có tay nghề trong ASEAN. Cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời nhằm mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế công bằng trong khu vực và tạo ra một khu vực kinh tế có tính cạnh tranh cao, hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu.

Với số dân 600 triệu người, GDP 2.178 tỷ USD, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 2.389 tỷ USD và đầu tư FDI vào ASEAN đạt 114 tỷ USD, ASEAN là một thị trường lớn và giàu tiềm năng. Đến nay, ASEAN đã hoàn thành 74,5% mục tiêu đặt ra của Lộ trình tổng thể xây dựng AEC (AEC Blueprint). ASEAN đang ưu tiên thúc đẩy thực thi các Hiệp định quan trọng như Hiệp định Thương mại Hàng hoá ASEAN, Hiệp định Đầu tư Toàn diện ASEAN và các Gói cam kết thuộc Hiệp định khung ASEAN về Dịch vụ, đồng thời tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác. Từ ngày 1/1/2010, 99,65% dòng thuế của các nước ASEAN 6 đã có thuế suất 0% và 98,88% số dòng thuế của Việt Nam và 3 nước Lào, Myanmar và Campuchia có thuế suất 0-5%. Nhiều chương trình thuận lợi hóa thương mại đã có tác động tích cực như thiết lập Cơ chế hải quan một cửa ASEAN, hài hòa hóa tiêu chuẩn, thống nhất phân loại thuế quan, loại bỏ các hàng rào phi thuế đã và đang được thực thi. Nhiều ngành kinh tế của ASEAN đã phát huy tốt ưu thế như nông sản, thủy sản, dệt may, điện tử, du lịch, chế tạo. Nhiều sản phẩm trên thế giới đã dần được biết đến với thương hiệu chung của các nước Đông Nam Á hay ASEAN.

Để xây dựng AEC vào năm 2015, ở cấp chính phủ, các nước phải hài hòa các mục tiêu của AEC với mục tiêu phát triển trong chính sách của từng quốc gia. Ở cấp độ doanh nghiệp, thách thức lớn nhất là khả năng nắm bắt cơ hội kinh doanh và đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp ASEAN với các thế mạnh về thị trường, vốn, công nghệ.

Tiến trình hội nhập ASEAN không thể tách rời với tiến trình phát triển kinh tế toàn cầu. Do đó, ASEAN cần một mặt củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ kinh tế, thương mại giữa ASEAN và các nước đối tác, đồng thời nỗ lực khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong các cấu trúc khu vực đang định hình. ASEAN hiện đang tham gia thực hiện các Khu vực thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác trong khu vực.

Trong năm 2013, ASEAN cùng các đối tác trong khu vực sẽ khởi động đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), thể hiện vai trò tiên phong trong việc hình thành cơ cấu hợp tác kinh tế mới trong khu vực, thể hiện vai trò trung tâm và đi đầu của ASEAN. ASEAN cũng đang tăng cường hợp tác kinh tế với các nền kinh tế lớn như EU, Hoa Kỳ và việc xây dựng thành công AEC sẽ là tiền đề quan trọng để đưa mối quan hệ giữa ASEAN và các đối tác này lên một tầm cao mới.

Để thực hiện mục tiêu này, ASEAN luôn chú ý lắng nghe ý kiến của Cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực thông qua các hoạt động như Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU. Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU là sáng kiến điển hình cho mô hình đối thoại thành công giữa các nhà hoạt động chính sách và doanh nghiệp, từ đó nhiều ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp đã được ASEAN đưa vào các chương trình thảo luận của mình. Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh ASEAN-EU lần thứ ba sẽ được tổ chức tại Hà Nội vào ngày 9/3/2013 bên lề Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp.

Chủ động và tích cực hội nhập khu vực ASEAN luôn là chính sách nhất quán của Việt Nam. ASEAN hiện là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt  Nam. Cùng với Hoa Kỳ và liên minh châu Âu (EU), ASEAN là thị trường xuất khẩu hàng hóa quan trọng của các doanh nghiệp Việt Nam. Kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN năm 2012 đạt hơn 38 tỷ USD. Về đầu tư, các dự án có xuất xứ từ ASEAN hoặc thông qua ASEAN ngày một gia tăng. Đồng thời, ASEAN cũng là thị trường đầu tư chủ yếu của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian qua.

Sự hình thành AEC vào năm 2015 sẽ thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hữu cơ giữa các nền kinh tế ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đang từng bước tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức trong quá trình xây dựng AEC, tham gia tích cực vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.

AEC đang trở thành một thương hiệu riêng của ASEAN, thu hút sự quan tâm của các nền kinh tế lớn, các tổ chức kinh tế khu vực trên toàn cầu. Đối với Việt Nam, AEC sẽ là cơ hội quý báu để Việt Nam bắt nhịp với xu thế và trình độ phát triển kinh tế của khu vực và thế giới. Mốc thời gian 2015 đang đến gần, các nước, trong đó có Việt Nam, đang khẳng định quyết tâm xây dựng được Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 bằng việc biến ASEAN thành một cơ sở sản xuất chung; một thị trường chung; một khu vực cạnh tranh, phát triển kinh tế đồng đều; và hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế toàn cầu./.