Báo cáo giải trình trước Quốc hội hôm 21/11 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: Nợ công của Việt Nam trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP). Tuy nhiên, áp lực trả nợ rất lớn.

Cụ thể, theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chính phủ đã trình và được Quốc hội đồng ý mức bội chi ngân sách năm 2014 là 5,3% GDP (224 nghìn tỷ đồng) và phát hành thêm 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.

Việc tăng bội chi ngân sách dành một phần để trả nợ, phần còn lại và trái phiếu Chính phủ bổ sung được tập trung vào đầu tư các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu, hoàn thành nhiều công trình đang đầu tư dở dang, bổ sung vốn đối ứng ODA, đầu tư cho nông nghiệp nông thôn.

Qua đó góp phần khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải kéo dài kém hiệu quả, xử lý nợ đọng trong xây dựng cơ bản, giải quyết nợ xấu; tăng giải ngân vốn ODA, thu hút mạnh hơn các nguồn vốn xã hội cho đầu tư phát triển, bảo đảm được tổng vốn đầu tư toàn xã hội bằng khoảng 30 - 31% GDP; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất kinh doanh, tạo thêm nhiều việc làm mới, tăng thu nhập cho người lao động; và góp phần quan trọng vào việc tăng năng lực sản xuất, thực hiện đột phá trong xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ theo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020.

Theo đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, tính đến 10h00 ngày 24/11/2013 (giờ Việt Nam), nợ công của Việt Nam là trên 77,436 tỷ USD; bình quân nợ theo đầu người là 859,05 USD/người, chiếm 48,4% GDP, tăng 11,6%/năm so với năm 2012; nợ công toàn cầu đang là hơn 52.065 tỷ USD.

Trước đó, tính đến 7h00 (giờ Việt Nam, ngày 5/7/2013), nợ công của Việt Nam  ở mức trên 74,294 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 826,4 USD; nợ công chiếm 48,9% GDP, tăng 12,2% so với năm 2012. Nợ công toàn cầu đang ở mức trên 51.015 tỷ USD.

Với mức bội chi và phát hành trái phiếu bổ sung như đã nêu trên, Thủ tướng cho rằng, nợ công trong các năm 2014, 2015 và 2016 vẫn trong giới hạn an toàn (không quá 65% GDP). Tuy nhiên, áp lực trả nợ rất lớn. Cùng với việc bố trí nguồn từ ngân sách nhà nước để trả nợ, cần phát hành mới để đảo nợ đối với một phần nợ gốc trái phiếu Chính phủ đến hạn, bảo đảm duy trì thanh khoản, giảm thiểu rủi ro tái cấp vốn và không làm tăng dư nợ gốc trái phiếu Chính phủ.

Qua đó sẽ bảo đảm duy trì các chỉ tiêu trả nợ trực tiếp của Chính phủ năm 2014 ở mức 15,2%, năm 2015 khoảng 20,4% và năm 2016 khoảng 22,9% tổng thu ngân sách, nằm trong giới hạn cho phép là không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia đã được phê duyệt.

Với tình hình nêu trên, nợ công của nước ta vẫn trong giới hạn an toàn (Ngân hàng Thế giới và nhiều tổ chức tài chính quốc tế đánh giá nợ công của Việt Nam là an toàn và ổn định). Tuy nhiên, đây là vấn đề hệ trọng, ảnh hưởng đến sự an toàn của nền tài chính quốc gia. Chính phủ sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhất là quản lý sử dụng có hiệu quả vốn vay, quản lý tốt nợ trung hạn và quỹ tích lũy trả nợ, quản lý và xử lý kịp thời rủi ro... bảo đảm thực hiện đúng Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia./.