Theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng đầu năm 2012 ước đạt 1.141, 4 tỷ đồng, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2011. Nếu loại trừ yếu tố giá, tổng mức bán lẻ tăng 6,8%, đây là mức tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.

Trong thành tích chung đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài có mức tăng trưởng cao nhất, tăng 34,2%, tiếp đó là khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế cá thể tăng lần lượt là 26,4% và 20,4%, khu vực kinh tế nhà nước có mức tăng trưởng thấp nhất, chỉ tăng 1,1%.

Trong số các ngành kinh tế, ngành du lịch đạt mức tăng cao nhất là 27%; tiếp theo là dịch vụ ( tăng 22,8%); khách sạn, nhà hàng (tăng 20,6%) và cuối cùng là thương nghiệp (tăng 19,3%).

Tuy nhiên, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 6 tháng đầu năm so với cùng kỳ giảm 2,8 điểm phần trăm (cùng kỳ năm 2011 tăng 22,6%). Thị trường hàng hóa trong nước dồi dào, nguồn cung hàng hóa trên thị trường luôn được đảm bảo, tuy nhiên tiêu dùng chững lại do kinh tế gặp khó khăn, hàng hóa khó tiêu thụ, giá giảm.

Trước thực trạng này, Bộ Công Thương đề ra những biện pháp trong 6 tháng cuối năm là theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để có biện pháp điều tiết kịp thời, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá;  Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, lưu thông, bảo đảm cân đối cung cầu, an sinh xã hội.

Đồng thời, sẽ tập trung cho công tác xúc tiến thương mại thị trường trong nước, ưu tiên triển khai nhiều chương trình trong khuôn khổ của Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” như tổ chức các hội chợ, triển lãm, đưa hàng hoá về nông thôn... nhằm kích thích tiêu dùng, đẩy mạnh việc tiêu thụ sản phẩm, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất.

Cạnh đó, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính trong việc điều tiết cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, chủ động cùng với các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra kiểm soát thị trường nhằm đảm bảo cho thị trường hoạt động lành mạnh./.